Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
Chuyên gia VPBankS: VN-Index có thể vượt 1.400 điểm ở nửa cuối năm 2025, cú hích câu chuyện nâng hạng
Thanh Thuỷ - 16/12/2024 22:53
 
Giai đoạn tăng tốc có thể diễn ra rất nhanh, chỉ trong 3 tháng. Theo dự báo của chuyên gia VPBankS, VN-Index có thể dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm, thậm chí có thể rơi vào vùng trũng trong tháng 5/2025 trước khi bật lên.

Cú hích từ câu chuyện nâng hạng thị trường

Chia sẻ tại Hội thảo VPBankS Talk #4 với chủ đề Vững vàng vượt sóng gió, ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá năm 2024 là một năm không hề dễ dàng đối với kênh đầu tư chứng khoán. Nhìn lại thị trường, không chỉ việc khối ngoại bán ròng với giá trị lớn nhất trong 24 năm hoạt động của thị trường, chỉ số VN-Index giao dịch trong biên độ hẹp đã gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán còn bị cạnh tranh bởi nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, tiền số. Các vấn đề địa chính trị cũng ảnh hưởng lớn, nhất là sự trở lại Nhà trắng của Tổng thống đắc cử D. Trump.

Theo người đứng đầu VPBankS, tăng trưởng GDP năm 2024 được kỳ vọng tăng khoảng 7%, chỉ số PMI duy trì trên 50 điểm phản ánh nền kinh tế đang phục hồi trở lại. Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 dự báo tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và theo dự báo của các chuyên gia VPBankS, có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 25% trong năm tới. Dù tăng tưởng lợi nhuận năm tới còn phụ thuộc nhiều vào các biến số như mức độ hạ lãi suất cũng như các chính sách thuế quan tại Mỹ, ông Điền cho rằng tỷ lệ PEG đánh giá giá trị đầu tư của một công ty dựa trên tỷ lệ P/E và tốc độ tăng trưởng thu nhập của công ty đó thấp hơn 1 cho thấy định giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức tương đối hấp dẫn.

Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng năm tới là việc cơ quan quản lý đang đẩy mạnh giải pháp để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của FTSE. Ông Điền cũng nhấn mạnh việc thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt dòng vốn từ quỹ ETF hay các quỹ đầu tư chủ động trong tương lai.

Đây có thể là cú hích và trở thành điểm nhấn đầu tư của chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research, thời gian qua VN-Index đi ngang trong biên độ 1.200-1.300 điểm, bất chấp nhiều yếu tố tiêu cực như tỷ giá, dòng vốn ngoại rút ròng.

“Thời gian này có thể là giai đoạn tích luỹ mang tính lịch sử, tương tự như đã từng diễn ra các năm 2005-2006 trước khi ký hiệp định WTO và 2014-2016 với con sóng cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước. Chúng tôi kỳ vọng con sóng tiếp theo là sóng nâng hạng thị trường ở nửa cuối năm 2025. Chứng khoán Việt Nam đang chuẩn bị cho con sóng lớn trước mức định giá hấp dẫn”. Kinh tế trưởng của VPBankS cho rằng thanh khoản thị trường tiếp tục đi ngang trên nền trung bình hoặc thấp nhưng sẽ bật tăng ở giai đoạn sắp được nâng hạng, có thể ở giai đoạn tháng 8-9 với mức bình quân đạt 23.000 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index sau khi qua giai đoạn tích luỹ - Nguồn: VPBankS

Về chỉ số, với áp lực bán ròng của khối ngoại, tỷ giá neo cao và chính sách thuế mới của Trump có thể gây nhiễu động cho tỷ giá, VN-Index dao động trong khoảng 1.200-1.300 điểm. vùng trũng có thể rơi vào tháng 4-6, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mua trung hạn giải ngân và chốt lời vào cuối năm. Ở nửa cuối năm, VN-Index có thể lên cao nhất 1.400 điểm, dao động trung bình quanh ngưỡng 1.300 điểm. Giai đoạn tăng tốc có thể diễn ra rất nhanh, chỉ trong 3 tháng. 

Các động lực hỗ trợ thị trường tăng trưởng được ông Trần Hoàng Sơn chỉ ra gồm chu kỳ nới lỏng chính sách, xu hướng phục hồi lợi nhuận tiếp diễn dù còn phân hoá giữa các nhóm ngành và định giá thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn trong trung dài hạn.

Nhiều biến số vĩ mô cần quan sát

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo VPBankS Talk #4 với chủ đề Vững vàng vượt sóng gió


Cũng theo ông Sơn, tỷ giá biến động là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng rõ nét tới thị trường chứng khoán năm 2024 và tiếp tục tác động ở năm tới. Dòng vốn ngoại bán ròng ở nhiều tháng trong năm nay gây áp lực không nhỏ tới diễn biến chỉ số chung. Cùng đó, chính sách thuế quan tại Mỹ là một trong các nguyên nhân tác động đến thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2025.

“Nhìn lại nhiệm kỳ đầu khi ông Trump làm tổng thống, chính sách thuế tuyên bố mạnh trong giai đoạn ban đầu nhưng để nhằm kéo các quốc gia vào vòng đàm phán để đưa ra chính sách có lợi nhất cho Mỹ”. Ông Sơn cũng cho rằng chính quyền Trump 2.0 cũng sẽ có động thái “giơ cao đánh khẽ”. Các chính sách thuế quan ngoài yếu tố thương mại, kiềm toả sự phát triển của Trung Quốc đối với một số sản phẩm. Cùng đó, đáp lại chính sách thuế quan của Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các biện pháp tỷ giá. Điển hình như giai đoạn 2018-2019, nhân dân tệ mất giá 12%. Tỷ giá USD/VND cũng giảm 2-3%.

Đồng quan điểm với Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cũng cho rằng về dài hạn, mục tiêu của Mỹ là đàm phán các quốc gia đói với các vấn đề nhập cư và cân bằng thương mại. Chuyên gia kinh tế cho rằng đồng đôla sẽ lên giá bởi kỳ vọng chính sách thuế quan có thể giúp làm giảm thâm hụt thương mại, từ đó cung USD ít đi và USD lên giá.

Đối với biến động của tỷ giá USD/VND, ông Phạm Thế Anh lưu ý nhà đầu tư quan sát chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam. Các số liệu lạm phát Mỹ sẽ cho thấy lãi suất còn dư địa giảm hay tốc độ giảm của lãi suất. Cùng đó, mức độ Mỹ áp dụng chính sách thuế quan cũng sẽ tác động đến diễn biến tỷ giá.

Dự báo về tăng trưởng GDP  thời gian tới, chuyên gia kinh tế TS. Phạm Thế Anh cho rằng động lực trong ngắn hạn sẽ xuất phát chính từ đầu tư công với việc khởi động một loạt dự án sẽ trở thành lực kéo chính cho tăng trưởng năm 2025. Cùng đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể chậm lại so với mức nền cao của năm 2024 và bất ổn từ chính sách thuế quan. Dù có thể không đạt mức tăng trưởng hai con số, xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng GDP. Xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục không chỉ bởi câu chuyện Trung Quốc + 1 mà còn vì vị trí địa lý, giá nhân công của Việt Nam rẻ so với thế giới và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Phạm Thế Anh dự báo con số tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,5% là khả thi. Về dài hạn, thông qua tinh gọn bộ máy, đầu tư công, tái khởi động dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” …., nền kinh tế Việt Nam có thể có những ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài. Bởi trước đây, Việt Nam chỉ nói đến cải cách kinh tế thông qua chính sách tài khoản, tiền tệ nhưng nay làm rộng hơn vào thể chế, môi trường kinh doanh, thực hiện cải cách sâu rộng.

Giá chung cư phía Nam đang “loạn nhịp”
Giá chung cư cũ được cho là đang giảm giá, trong khi các dự án mới lại tăng giá liên tục qua những đợt mở bán, gây loạn nhịp thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư