Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyện “khắc xuất, khắc nhập” tại Bất động sản An Gia
Thanh Thủy - 27/10/2020 09:24
 
Thương vụ bán 60% vốn Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Sơn Lâm đã giúp Công ty cổ phần Bất động sản An Gia giữ được tăng trưởng lợi nhuận quý III/2020.
.
An Gia sở hữu một danh sách dài cổ phần của các công ty.

Lãi lớn nhờ chớp nhoáng tăng và thoái vốn công ty con 

Nghị quyết HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản An Gia (mã AGG) ban hành ngày 29/9/2020 đã thông qua việc chuyển nhượng 60% vốn điều lệ Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Sơn Lâm. Thương vụ chuyển nhượng vốn chóng vánh trong những ngày cuối quý III/2020 này là yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận kỳ kinh doanh này của An Gia.

Trước đó chỉ một ngày, Sơn Lâm đã được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hoàn tất thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 12,3 tỷ đồng, đồng thời chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH sang công ty cổ phần. Đây là doanh nghiệp thực hiện một dự án tại Phan Thiết và mới thành lập vào tháng 11/2019.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020 vừa được An Gia công bố, hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng hợp nhất chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, bằng chưa đến 22% cùng kỳ, do quy mô hoạt động tư vấn môi giới và tiếp thị co hẹp. Lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 1,45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 51,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính đạt hơn 54,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ, giúp An Gia bù đắp các khoản chi phí, trong đó riêng lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư gần 41,4 tỷ đồng.

Chi phí tài chính cũng tăng gấp 2,3 lần, lên 25,2 tỷ đồng, do tăng lãi vay và phát sinh chi phí tài chính thanh toán trước hạn và chiết khấu thanh toán. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 8,8 tỷ đồng, gấp 3,14 lần cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, An Gia đã lãi 198,45 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 48,4% mục tiêu lợi nhuận sau thuế mà cổ đông công ty mẹ đề ra.

So với mục tiêu doanh thu 2.400 tỷ đồng, kết quả trong 9 tháng đầu năm (73,7 tỷ đồng) mới chỉ hoàn thành được một phần nhỏ. Tất nhiên, với lĩnh vực đặc thù là kinh doanh bất động sản, việc ghi nhận doanh thu/lợi nhuận phụ thuộc vào thời điểm bàn giao các dự án cho khách hàng, như năm 2019, lợi nhuận của Công ty dồn cả vào trong quý cuối cùng của năm.

Khắc xuất, khắc nhập

An Gia sở hữu một danh sách dài cổ phần của các công ty. Đến ngày 30/9, Công ty có 4 công ty con, 5 công ty liên kết và 3 công ty nắm dưới 20% cổ phần. Một nửa trong số trên là các đơn vị liên danh với các tổ chức khác, với cách đặt tên công ty khá đặc trưng như CRE&AGI (liên danh giữa Creed Group và An Gia), AGI-HSR (Liên danh An Gia - Hoosiers)...

Với trường hợp bán vốn tại Sơn Lâm, đây không phải lần đầu An Gia có các thương vụ mua bán cổ phần các công ty thuộc sở hữu. Vào quý II/2020, thông qua mua thêm 5% vốn Hoàng Ân - công ty mẹ sở hữu 99,98% vốn Phước Lộc (chủ đầu tư Dự án The Sóng), An Gia đã hợp nhất tài sản và công nợ liên quan đến dự án trên vào bảng cân đối kế toán. Tồn kho dự án này lần đầu ghi nhận trên báo cáo của An Gia hồi cuối quý II/2020 là 1.945 tỷ đồng, đến ngày 30/9 đã tăng lên 2.142 tỷ đồng.

Quy mô tài sản ngày 30/9 của An Gia đạt 8.752 tỷ đồng, tăng thêm gần 640 tỷ đồng riêng quý III và hơn 3.350 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Có thể thấy, kết quả này đến từ sự đóng góp lớn của dự án trên. The Sóng cũng là dự án bất động sản dở dang mà An Gia đang đầu tư với giá trị lớn nhất ở thời điểm tại. Dự án nằm tại TP. Vũng Tàu, với 1.500 sản phẩm bất động sản và thời gian hoàn thành dự kiến là quý I/2022.

Đến nay, An Gia vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư. Gần đây nhất, ngày 19/10, HĐQT Công ty đã duyệt chủ trương nhận chuyển nhượng dự án bất động sản tại TP. Dĩ An, Bình Dương với diện tích 3 ha. Trước đó, Công ty còn có khoản đầu tư 200 tỷ đồng trong một hợp đồng hợp tác kinh doanh trong quý III/2020.

Khoản vốn do các khách hàng mua trả tiền trước tiếp tục là nguồn vốn lớn nhất trong cơ cấu của An Gia, với tỷ trọng hiện đạt 37,3%. Nguồn vốn từ vay tín dụng và phát hành trái phiếu dù tăng 80%, nhưng chỉ chiếm khoảng 17%. Nguồn vốn do người mua trả trước tăng rất nhanh từ 2.033 tỷ đồng lên 3.270 tỷ đồng chỉ trong một quý vừa qua. Nguyên nhân cũng do hợp nhất từ công ty con mới và tiếp tục bán thêm được các sản phẩm bất động sản. Chỉ khi hoàn tất bàn giao, số tiền này mới được ghi nhận vào doanh thu của Công ty.

Khối ngoại thoái vốn tại An Gia

Hơn 10 tháng kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE, cổ phiếu AGG của An Gia đang ở sát vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu, nhỉnh hơn gần 6% so với giá đóng cửa phiên chào sàn sau khi điều chỉnh giá do đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (10%). Vốn điều lệ của An Gia hiện xấp xỉ 825 tỷ đồng.

Một xu hướng khá nổi bật trong giao dịch cổ phiếu AGG thời gian qua là sự rút giảm của vốn ngoại, từ mức 28,4% xuống còn chưa đến 15% hiện tại, đặc biệt ở giai đoạn từ tháng 8 trở lại đây. Creed Investments VN-1 Ltd bán ra 4,54 triệu cổ phiếu, còn Hourai Consulting Ltd bán toàn bộ gần 525.000 cổ phiếu. Nhóm quỹ Hàn Quốc do KIM quản lý cũng vừa bán 1,5 triệu cổ phiếu hôm 16/10 và chính thức không còn là cổ đông lớn.
Tân binh bất động sản An Gia chào sàn với giá 25.000 đồng/cổ phiếu
Sau nhiều lần tăng vốn trước khi lên sàn, vốn điều lệ của An Gia hiện ở mức 750 tỷ đồng, tương đương vốn hóa thị trường đạt 1.875 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư