Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyển thẩm quyền cấp bằng lái xe: Quyền lợi của người dân là quan trọng nhất
Nguyễn Lê - 16/02/2022 14:22
 
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe không quan trọng, mà quan trọng là tác động thế nào đến quyền lợi của người dân.
Việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất theo định hướng đẩy mạnh xã hội hóa

Không được gây khó cho dân

Như Báo Đầu tư đã liên tục đề cập trong 2 số trước, với đa số đại biểu Quốc hội khóa XIV không tán thành, việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an đã không suôn sẻ như dự tính của cơ quan trình. Điều đó cũng đòi hỏi, khi dự án luật được trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật của năm 2022 như mong muốn của Chính phủ, những vấn đề đặt ra xung quanh việc chuyển chức năng trên cần có đáp án thuyết phục hơn, không chỉ bởi con số 66,74% đại biểu đã “lắc đầu”, mà bởi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tác động đến đông đảo người dân.

Từ góc độ của một công dân, TS. Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Luật miền Bắc nhấn mạnh, ông không quan tâm nhiều đến việc cơ quan, bộ, ngành nào quản lý, mà quan trọng là việc quản lý có tốt không, có đem lại hiệu quả cho xã hội không, có thuận tiện cho người dân, có tiêu tốn chi phí của dân hay không?

Với cách tiếp cận này, TS. Hoàng Xuân Châu cho rằng, bộ nào thực hiện chức năng trên là công việc nội bộ của Chính phủ, miễn là đảm bảo mục tiêu bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông với chi phí xã hội thấp nhất.

Tuy nhiên, ở góc độ của Chính phủ, theo TS. Hoàng Xuân Châu, lợi ích của người dân cần được giải mã ở một số khía cạnh nhất định.

“Với tầm quan trọng và tác động xã hội của nó, thẩm quyền cấp bằng lái xe trên thế giới thường được trao cho cơ quan nhà nước. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để giảm thiểu tham ô, nhũng nhiễu, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước nào không quan trọng bằng việc tạo dựng được cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, cũng như tăng cường cơ chế giám sát, phản biện từ phía người dân. Trong thực tiễn, chính việc trao quyền lực lớn cho một cơ quan và thiếu cơ chế phản biện, giám sát, đánh giá là mầm mống của độc quyền, tham nhũng, tiêu cực, vì vậy, cơ chế này cần phải được quy định cụ thể trong luật”, TS. Hoàng Xuân Châu nêu quan điểm.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, việc làm luật cũng như sửa đổi luật, về nguyên tắc, không được gây khó cho người dân, cũng như nhận phần thuận lợi về phía cơ quan hành pháp.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung cũng nhận xét, lập luận về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an còn có chỗ chưa sâu sắc và chắc chắn. Dẫn chứng là lập luận: “Trước tháng 7/1995, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do ngành công an chịu trách nhiệm. Thực hiện Nghị định số 36/CP, từ tháng 8/1995, Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm quản lý công tác này; việc chuyển giao khi đó không có báo cáo đánh giá tác động rõ ràng và dựa vào quan điểm Bộ Công an tập trung vào bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là quản lý hành chính nhà nước thông thường, nên không cần thiết giao cơ quan Công an thực hiện.

Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Giao thông - Vận tải đã có cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hóa nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, nội dung đào tạo còn chưa phù hợp, sát hạch lái xe còn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống công nghệ chấm điểm tự động, dẫn đến ‘học mẹo, thi mẹo’, không sát với thực tế đi đường, quản lý sau cấp giấy phép lái xe còn đơn thuần, không dựa vào quy trình chấp hành giao thông của người được cấp giấy phép lái xe”.

Đổi mới theo hướng xã hội hóa

Bên cạnh nhiều ý kiến trong ngành và một số ý kiến bên ngoài, Bộ Công an cũng tập hợp và công bố ý kiến của thành viên OTOFUN - diễn đàn ô tô với lượng thành viên lớn nhất cả nước hiện nay. Tại đây, các nội dung liên quan đến giao thông luôn là một trong các chủ đề được quan tâm nhiều nhất.

Theo đó, thống kê trong topic trao đổi về vấn đề này trên diễn đàn từ tháng 8/2020 với gần 140 bình luận, hầu hết ý kiến tỏ ra băn khoăn với việc chuyển đổi đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an. Trong đó, băn khoăn lớn là, nếu Bộ Công an vừa đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe lại vừa kiểm tra, giám sát, thì sẽ làm yếu đi công tác kiểm tra, giám sát.

Các thành viên diễn đàn này cũng cho rằng, chưa có đánh giá các bất cập trong việc triển khai đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ năm 1995 đến nay của Bộ Giao thông - Vận tải cũng như các đánh giá về yêu cầu ở thời điểm hiện tại. Do vậy, chưa đưa ra được các lý do rõ ràng về việc chuyển sang Bộ Công an có hiệu quả hơn không, hiệu quả ở những điểm nào. Nếu Bộ Giao thông - Vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thì cần chấn chỉnh, bổ sung nguồn lực để làm tốt hơn, thay vì chuyển hoàn toàn sang một bộ khác.

Việc đào tạo, sử dụng nhân lực của ngành giao thông - vận tải (dân sự) sẽ tốn ít chi phí về lương, chính sách hơn so với việc sử dụng nhân lực từ lực lượng vũ trang.

Các hoạt động đào tạo, cấp bằng nên triển khai theo hình thức xã hội hóa cũng là quan điểm của thành viên diễn đàn và cũng trùng với quan điểm của TS. Hoàng Xuân Châu. Ông cho rằng, quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe không nên hiểu là việc thực hiện đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, mà cần tiếp cận theo hướng cơ quan quản lý đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn cần thiết để đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Nói cách khác, cơ quan quản lý đặt ra “luật chơi”, còn việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn cần được xã hội hóa. Mặt khác, cần tạo cơ chế để người dân được giám sát hoạt động đào tạo, sát hạch, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Đồng quan điểm, TS. Tạ Quang Ngọc (Trường đại học Luật Hà Nội) đề nghị đổi mới việc tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe theo định hướng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, cơ quan chức năng chỉ quản lý về nội dung, chương trình đào tạo, thống nhất tài liệu học tập, nội dung và quy trình sát hạch cũng như siết chặt khâu kiểm tra để hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong khâu này.

Và, theo một số vị đại biểu Quốc hội, xã hội hóa là định hướng lớn cần được quan tâm đúng mức khi thực hiện sửa luật.

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định thẩm quyền cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, hiện nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, nội dung này đã được tách riêng để điều chỉnh trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc quy định thẩm quyền này như thế nào trong Dự thảo luật sẽ do Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo tính rõ ràng, ổn định trong việc thực hiện các chính sách lớn có tác động đến người dân và dư luận xã hội.
Cấp bách sửa Luật Giao thông đường bộ
Nhiều nội dung cấp bách tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có thể không kịp ban hành như kỳ vọng của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư