Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Có 1.000 loài cây dược liệu giá trị tại khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới ở miền Tây Nghệ An
Việt Hương - 18/07/2019 14:36
 
Khu vực miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, và nơi đây có gần 1.000 loài cây dược liệu có giá trị, trong đó có rất nhiều loài có giá trị cao đang được tỉnh Nghệ An bảo tồn, phát triển…

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, cho biết, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức hội thảo khoa học giới thiệu kết quả bước đầu nghiên cứu về cây Sâm Puxailaileng và một số cây dược liệu ở vùng cao Nghệ An với sự tham dự của các nhà khoa học nghiên cứu về cây dược liệu cùng lãnh đạo Bộ, ngành chuyên môn và địa phương.

Cac dai bieu tham quan mo hinh trong cay sam Puxialileng
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây sâm Puxialileng tại miền Tây Nghệ An

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay, Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất nước, là nơi giao thoa giữa dải Hoàng Liên Sơn và Trường Sơn, có sự đa dang sinh học rất cao, với khu vực miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới.

Qua điều tra, đánh giá của các đề tài Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An triển khai trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học đã ban đầu thống kê Nghệ An có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau (trong đó khu Pù Huống chưa được điều tra đồng bộ). Trong đó, có rất nhiều loài có giá trị cao như Sâm Puxailaleng, Đẳng sâm, Tam thất, Bảy lá một hoa, Lan Kim tuyến, Hà thủ ô đỏ, Nấm linh chi đỏ, Trà Hoa vàng, Xạ đen, Giảo cổ lam, Đông trùng hạ thảo, Mú từn, Bình vôi, Đinh lăng… Đồng thời, Nghệ An cũng có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn theo Sách Đỏ Việt Nam như Bảy lá một hoa, Bình vôi đỏ, Đỉnh tùng, Hoàng tinh, Ngũ gia bì gai....

Thời gian vừa qua, trên cơ sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An tầm nhìn 2030, việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu có giá trị đã được quan tâm triển khai. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu triển khai đồng bộ việc điều tra đánh giá đa dạng sinh học, nhất là mảng dược liệu, đặc biệt là ở Pù Mát, Pù Hoạt, Puxailaileng (Pu Huống đang chuẩn bị triển khai) để xác định các loài dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế và khoa học.

Đồng thời Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp triển khai một loạt các đề tài nghiên cứu và dự án thử nghiệm trồng một số đối tượng dược liệu ở miền Tây Nghệ An, nhất là cây Sâm Puxailaileng và đạt được một số kết quả bước đầu.

Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An triển khai trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học đã ban đầu thống kê Nghệ An có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau
Các nhà khoa học đã ban đầu thống kê Nghệ An có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau. Trong ảnh là cây dược liệu 7 lá 1 hoa

Với mong muốn phát triển, duy trì và bảo tồn các nguồn gen thảo dược và cây nhân sâm quý hiếm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý việc phối hợp với các tổ chức nghiên cứu một số cây dược liệu ở các huyện miền Tây và đạt được kết quả ban đầu.

Được biết, cây sâm Puxailaileng có thể nhân giống và phát triển tốt nếu được trồng ở các khu vực có khí hậu ôn đới mát mẻ, có độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển ở các xã như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn của huyện Kỳ Sơn.

UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty Dược Mường Lống tổ chức lễ ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây sâm Puxailaileng
UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty Dược Mường Lống tổ chức lễ ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây sâm Puxailaileng

Tại sự kiện này, UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty Dược Mường Lống đã ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây sâm Puxailaileng.

“Đây là cơ sở để công tác bảo tồn, sản xuất giống và trồng cây sâm Puxailaileng và các loài dược liệu tại vùng núi cao tỉnh Nghệ An, từ đó làm cơ sở để đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào bản đồ sâm Việt Nam, cũng như hỗ trợ Nghệ An thực hiện chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược nói chung, cây Sâm nói riêng”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Trần Quốc Thành nhấn mạnh. 

JICA muốn đầu tư xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp tại Nghệ An
Sáng ngày 19/6, Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An nhằm hướng đến khảo sát tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư