Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ điện Lạnh muốn dùng hơn 1 triệu cổ phiếu quỹ chia cho nhân viên với giá “ưu đãi”
Duy Bắc - 09/03/2023 07:25
 
CTCP Cơ điện Lạnh (mã REE - sàn HoSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 31/3 tại TP. HCM.

Về chính sách cổ tức, năm 2022, Cơ điện Lạnh trình cổ đông kế hoạch cổ tức 25%. Trong đó, 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu.

Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định mức chi trả phù hợp nhằm đảm bảo nguồn vốn tự có cho việc đầu tư và phát triển dự án mới.

Một nội dung đáng chú ý, Cơ điện Lạnh dự kiến dùng 1.007.915 cổ phiếu quỹ để bán giá ưu đãi cho nhân viên quản lý có thành tích kinh doanh năm 2023 xuất sắc nhằm khuyến khích, động viên quản lý, đồng thời tạo sự gắn kết với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của Công ty.

Trong đó, giá bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu ESOP này dự kiến sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Cụ thể, sau năm 1 được chuyển nượng 30%, sau năm 2 được chuyển nhượng 30% và sau năm thứ ba được chuyển nhượng 40% còn lại.

Theo tìm hiểu, tính tới 31/12/2022, Cơ điện Lạnh đang ghi nhận đầu tư 47,62 tỷ đồng vào cổ phiếu quỹ, tương ứng sở hữu 1.007.915 cổ phiếu quỹ. Như vậy, ước tính giá mua cổ phiếu quỹ trung bình là 47.248 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính theo giá dự kiến phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhân viên, ước tính Công ty sẽ lỗ 78,8% so với giá mua trung bình trong đợt phát hành ESOP sắp tới.

Mặc dù vậy, Cơ điện Lạnh vẫn chưa công bố kế hoạch tài chính cụ thể năm 2023 và dự kiến sẽ bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông trong thời gian tới.

Nguy cơ EI Nino trở lại

Sau chu kỳ 3 năm liên tiếp, La Nina (hiện tượng thời tiết gây hiệu ứng mưa, bão nhiều hơn, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á) đang có dấu hiệu sẽ sớm đảo chiều. Trong năm 2022, nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới xảy ra, bất chấp hiện tượng thời tiết La Nina. Nhiều nhà khí tượng học đã cảnh báo về nguy cơ El Nino - hiện tượng ngược lại của La Nina sẽ xảy ra trong năm nay.

Hồi cuối năm ngoái, Văn phòng Khí tượng của Anh đã cảnh báo: “Sự chuyển dịch từ La Nina sang El Nino có khả năng dẫn đến nhiệt độ toàn cầu vào năm 2023 ấm hơn so với năm 2022”.

Trước đây, hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán ở khu vực phía Nam và Đông Nam châu Á, Úc và châu Mỹ Latinh, bao gồm cả Brazil và Argentina.

“Chúng ta đã trải qua 3 đợt La Nina mạnh liên tiếp, đây là điều chưa từng có tiền lệ. Nhưng hiện tượng El Nino đang tiềm ẩn trong năm 2023. Các quốc gia đang phát triển ở vùng nhiệt đới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Châu Á sẽ trở nên khô hạn hơn dưới điều kiện El Nino, trong khi Nam Mỹ có thể có lượng mưa quá mức”, Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty hàng hóa EDF Man cho biết.

Với diễn biến thời tiết trên, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, điều kiện thuỷ văn của các nhà máy thuỷ điện sẽ duy trì tích cực cho đến hết quý I và có thể trở nên kém thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, sản lượng từ nhà máy thuỷ điện dự báo giảm 8% so với năm 2022 và điều này tác động không tích cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuỷ điện.

Được biết, trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam năm 2022, sản lượng phát điện của thuỷ điện đạt 95.054 GWh, tăng 21% so với năm 2021 và chiếm 35% tổng sản lượng toàn hệ thống; sản lượng nhiệt điện đạt 134.540 GWh, giảm 7% so với năm trước đó và chiếm 50% tổng sản lượng điện toàn ngành; điện mặt trời ghi nhận 25.530 GWh, giảm 2% so với cùng kỳ và chiếm 10% tổng sản lượng. Như vậy, tăng trưởng của tổng sản lượng điện năm 2022 là nhờ nhóm thuỷ điện.

Thực tế, bên cạnh hưởng lợi từ hiện tượng La Nina, trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp thuỷ điện có lợi thế hơn nhóm nhiệt điện trong việc huy động sản lượng lên lưới. Bởi lẽ, thủy điện luôn là nguồn điện rẻ, trong khi nhóm nhiệt điện vài năm trở lại đây chịu áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh khi giá than, khí neo ở mức cao. Tuy nhiên, nếu hiện tượng El Nino quay lại như dự báo, các nguồn điện từ nhiệt điện khí và than sẽ được tăng cường huy động để bù đắp cho sự suy giảm nguồn điện từ các nhà máy thuỷ điện.

Nguồn “vàng trắng” của Cơ điện Lạnh bị ảnh hưởng

Cơ điện Lạnh là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với ngành nghề kinh doanh ban đầu là cơ điện lạnh. Tuy nhiên, khi thị trường cơ điện lạnh dần bão hòa, năm 2008, Công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản, với dự án văn phòng cho thuê E.town (diện tích 80.000 m2) và tiếp tục đầu tư thêm các dự án mới.

Bước đột phá của Cơ điện Lạnh diễn ra vào năm 2010 khi Công ty mở rộng đầu tư vào các ngành cơ sở hạ tầng điện và nước. Từ đây, tỷ trọng của hai lĩnh vực này trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Cơ điện Lạnh ngày một gia tăng và chiếm trọng số trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty gần đây.

Đơn cử, năm 2021, mảng năng lượng đem lại 873 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 47,1% tổng lợi nhuận của Cơ điện Lạnh; trong đó, thuỷ điện đóng góp 648 tỷ đồng, chiếm 34,9% tổng lợi nhuận của Công ty. Năm 2022, mảng năng lượng đem lại 1.666 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 61,9% tổng lợi nhuận của Công ty; trong đó, mảng thuỷ điện đóng góp 1.443 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng lợi nhuận của Công ty. Có thể thấy, mảng năng lượng nói chung, thuỷ điện nói riêng đã đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho Cơ điện Lạnh trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi đó, mảng văn phòng cho thuê và bất động sản ghi nhận 579 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 8,1% so với năm 2021, chiếm hơn 21,5% tổng lợi nhuận của Cơ điện Lạnh. Các lĩnh vực khác đóng góp 445 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng lợi nhuận của Công ty.

Khi nguồn “vàng trắng” dự báo kém dồi dào bởi El Nino, SSI Research cho biết, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của REE có thể giảm nhẹ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/3, cổ phiếu REE tăng 600 đồng lên 68.000 đồng/cổ phiếu.

Mảng cơ điện lạnh ngưng trệ vì giãn cách, lợi nhuận quý III của REECorp giảm 24%
Dịch Covid-19 kéo giảm mạnh quy mô hoạt động kinh doanh của REECorp. Tuy vậy, mảng đầu tư không vì thế mà ngưng trệ. Gần 1.500 tỷ đồng được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư