Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông Dệt Phong Phú tức tưởi vì bị “ép cưới”
Chí Tín - 22/03/2014 09:47
 
Theo ghi nhận của phóng viên , một số cổ đông Công ty Cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú (PPH) đang bất bình trước việc Công ty bị ép phải sáp nhập vào công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (PP Corp). Các cổ đông cho rằng, phương án sáp nhập có thể gây thiệt thòi cho cổ đông công ty con. Ngoài ra, việc công bố thông tin của PPH cũng khá mập mờ, gần như "đánh úp" các cổ đông.
TIN LIÊN QUAN
Cổ đông Dệt Phong Phú tức tưởi vì bị “ép cưới”
Phương án sáp nhập PPH vào công ty mẹ đang là câu chuyện nóng bỏng

Theo phản ánh của các cổ đông, một trong những bất hợp lý trong phương án sáp nhập PPH vào PP Corp là công ty dự sáp nhập theo tỷ lệ 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu PPH sẽ được chuyển thành 1 cổ phiếu PP Corp.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh tại thời điểm sáp nhập giữa 2 công ty chênh lệch khá lớn.

Cụ thể, PPH liên tục kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm. Riêng năm 2013, lợi nhuận sau thuế là 30,12 tỷ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2013 là 3.765 đồng/cổ phiếu.

Ngoài các số liệu trên các yếu tố hiện hữu, PPH còn có cơ hội lớn trong năm 2014.

Lý do là, PPH hoạt động trong lĩnh vực dệt may gia dụng xuất khẩu, là ngành nghề có thể sẽ được hưởng lợi lớn nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Trong khi đó, công ty mẹ là PP Corp hoạt động dàn trải trên nhiều lĩnh vực, như dệt may, bất động sản, đầu tư tài chính...

Lợi nhuận năm 2013 của PP Corp đạt hơn 112 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 656 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 17,9% vốn điều lệ). Theo đó, thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 1.707 đồng/cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với EPS của PPH.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Bình, cổ đông của PPH, việc sáp nhập vào công ty mẹ là một quyết định rất lớn đối với PPH (sau khi sáp nhập, cái tên PPH sẽ bị biến mất hoàn toàn), nhưngCcông ty thông tin việc này đến cổ đông quá muộn.

“Có nhiều cổ đông thậm chí không biết việc Công ty sẽ đưa ra một quyết định quan trọng này, nên thậm chí không đến dự họp Đại hội đồng cổ đông”, ông Bình nói.

Một số cổ đông cho biết, họ gần như bị “đánh úp” vì Công ty không đưa trước bất cứ thông tin gì trước Đại hội đồng cổ đông để cổ đông có thể nghiên cứu và quyết định biểu quyết thông qua khi Đại hội diễn ra.

Cụ thể, cuối tháng 2/2013, các cổ đông PPH nhận được Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông 2014 của Công ty (họp vào sáng 5/3/2014). Tuy nhiên, ngoài Thông báo mời họp, các cổ đông chỉ nhận được Mẫu giấy uỷ quyền và Dự kiến chương trình họp, mà không nhận được thêm bất cứ tài liệu gì khác liên quan đến Đại hội, kể cả báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát. Đặc biệt là Dự thảo phương án sáp nhập cũng không hề có trong hồ sơ mời họp…

Sau đó, các cổ đông có gửi văn bản góp ý đến Công ty, yêu cầu Công ty gửi cho cổ đông các tài liệu dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông để nghiên cứu trước khi dự họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được Công ty cho biết rằng khi nào đến họp thì cổ đông sẽ được phát các tài liệu đó.

Sau khi cổ đông phản đối và tiếp tục yêu cầu cung cấp thông tin về các nội dung sẽ được thông qua tại Đại hội thì đến tận ngày 4/3 (tức chỉ 1 ngày trước khi họp), Công ty mới đăng lên website của mình Dự thảo phương án sáp nhập (nhưng vẫn không có Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát… ).

Mặc có nhiều ý kiến phản đối, nhưng nội dung về việc sáp nhập PPH vào PP Corp vẫn được Đại hội thông qua.

Tuy nhiên, sau Đại hội, một số cổ đông vẫn tỏ ra không "tâm phục, khẩu phục" khi cho rằng, việc các cổ đông nhận được tài liệu quá muộn nên không thể đủ thời gian để đưa ra quyết định chính xác, trong khi nhiều cổ đông không biết có nội dung quan trọng nên không đến dự Đại hội đầy đủ.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần xem xét lại giá trị pháp lý của kết quả Đại hội đồng cổ đông do quy trình công bố thông tin trước Đại hội chưa được tuân thủ đúng pháp luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư