Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Cổ đông lo Cadivi chệch đường ray
Chí Tín - 06/12/2017 14:49
 
Việc Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV, sàn HOSE) vừa bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ làm gợi lên một số lo ngại về việc Công ty đi xa khỏi lĩnh vực cốt lõi.
.
.

Có đi chệch đường ray?

Cadivi là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dây và cáp điện phục vụ rộng rãi các ngành kinh tế quốc dân, tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu. Năm 2017, Cadivi đưa ra kế hoạch tổng doanh thu 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 410 tỷ đồng, cổ tức 35%. Theo diễn biến kinh doanh đến hết quý III/2017, khả năng đại gia ngành cáp điện hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2017 là khả thi. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 của Công ty đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 308 tỷ đồng.

Các con số kinh doanh của Cadivi cho thấy, công ty này vẫn tỏ ra khá êm ấm trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2017, Cavidi sẽ đạt chỉ số EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) lên tới hơn 7.100 đồng/cổ phiếu, một tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước đối với bất cứ một doanh nghiệp nào. Vậy, lý do gì khiến Công ty muốn mở rộng thêm mảng kinh doanh vận tải?

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cadivi, thực thất, Cadivi đã có đội xe, nhưng để đội xe được gắn mác Cadivi, Công ty phải có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải. Ông Tuấn cũng cho biết, Công ty không đầu tư mạnh cho hoạt động này, bởi trong “họ” nhà Gelex, đã có Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans) là doanh nghiệp rất mạnh trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ logistics.

Cổ đông ngày càng cô đặc

Mặc dù các chỉ số kinh doanh của Cadivi khá tốt, nhưng nhà đầu tư vẫn tỏ ra ngần ngại đối với cổ phiếu này ở gốc độ thanh khoản. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn của cổ phiếu CAV mỗi phiên chỉ vài chục ngàn cổ phiếu, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng số 57,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam:

Vốn là một công ty thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), được thành lập từ năm 1975, cổ phần hóa từ năm 2007.

Hiện có 3 nhà máy, 2 công ty thành viên cùng hệ thống phân phối hơn 200 đại lý cấp 1 trải rộng khắp cả nước.

Công suất đạt 60.000 tấn đồng/năm, 40.000 tấn nhôm/năm, 20.000 tấn hạt nhựa PVC/năm (nguyên liệu để sản xuất dây cáp điện).

Vốn điều lệ 576 tỷ đồng. 

Một số cổ đông cho rằng, nếu thanh khoản tốt, thì thị giá cổ phiếu CAV có thể ở mặt bằng cao hơn so với mức hơn 52.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Bởi lẽ, vốn chủ sở hữu của Cadivi đã lên tới 1.314 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần vốn điều lệ, chưa kể EPS năm nay hoàn toàn có thể đạt hơn 7.100 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, Gelex nắm giữ tới 75% cổ phần, nhưng đây chưa phải điểm dừng, mà có thể Gelex sẽ còn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu thêm nữa tại Cadivi. Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa diễn ra của Cadivi đã thông qua một nội dung rất đáng chú ý là cho phép Gelex nâng sở hữu tại Cadivi mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai.

Theo đó, nếu Gelex tiếp tục mua thêm cổ phần tại Cadivi, thì số cổ phần đại chúng do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ sẽ càng ít hơn. Định hướng sắp tới của Gelex cho thấy, Công ty muốn tiếp thêm năng lượng cho Cadivi để biến công ty này thành doanh nghiệp chủ lực của Gelex.

Nói về mối liên quan từ sự ảnh hưởng quá lớn của Gelex và thanh khoản của cổ phiếu CAV trên thị trường, ông Tuấn cho biết, Gelex là cổ đông lớn nhất của Cadivi thì đương nhiên quan tâm đến giá cổ phiếu CAV hơn bất cứ ai. Quan điểm của Gelex là đầu tư dài hạn và mong muốn các cổ đông gắn bó lâu dài để đạt được các mục tiêu bền vững, nên giá cổ phiếu ngắn hạn cũng không phải là vấn đề quá quan trọng. “Lãnh đạo Công ty luôn nỗ lực để gia tăng giá trị, mỗi năm trả cổ tức 30 - 35%, riêng năm 2017 có thể sẽ trả cao hơn 35%”, ông Tuấn nói.

"Trái ngọt" hậu tái cấu trúc ở GELEX
Sau tái cấu trúc, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GELEX) không chỉ đổi mới về quản trị mà còn được đầu tư đổi mới công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư