Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông lớn chi hàng ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu HDBank
Vân Linh - 22/12/2017 14:19
 
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 9.809 tỷ đồng, hướng tới đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ.

Nâng cao năng lực tài chính

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đã nhận được báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 11/12/2017 của HDBank. Theo báo cáo, số lượng cổ phiếu HDBank chào bán cổ phiếu riêng lẻ thành công là 98.099.998 cổ phiếu.

Đây là kết quả thực hiện lộ trình tăng vốn mà Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua vào trung tuần tháng 10/2017 với kế hoạch phát hành thêm tối đa 98,099 triệu cổ phiếu hoặc tối đa 12% tổng số lượng cổ phần phổ thông sau khi thực hiện việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và tăng vốn từ vốn chủ sở hữu.

HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.
HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông HDBank cũng đã thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu là Công ty cổ phần Sovico (hơn 38,5 triệu cổ phiếu) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (hơn 17,6 triệu cổ phiếu), cùng với các nhà đầu tư khác đủ điều kiện. Như vậy, với việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ trong đợt này, HDBank đã nâng vốn điều lệ lên 9.809 tỷ đồng trước IPO và ngày niêm yết trên sàn chứng khoán.

Được biết, giá phát hành cổ phiếu cho các cổ đông lớn trong đợt phát hành riêng lẻ thành công tương đương giá bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mức giá phát hành riêng lẻ cho các cổ đông lớn không thấp hơn 32.000 đồng/cổ phiếu.

Ước tính, để mua được trọn lô cổ phiếu, các cổ đông lớn của HDBank đã chi gần 3.200 tỷ đồng. Toàn bộ số lượng cổ phần HDBank mà các cổ đông lớn đăng ký mua từ đợt phát hành riêng lẻ theo quy định sẽ không được chuyển nhượng trong vòng ít nhất 1 năm. Theo đó, các cổ đông lớn nâng thêm tỷ lệ sở hữu, tiếp tục cam kết gắn bó cùng Ngân hàng và đặt kỳ vọng vào tỷ lệ tăng trưởng của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Niêm yết đầu năm 2018

HDBank cũng đã hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Ngân hàng đặt kế hoạch sẽ hoàn tất IPO và có mặt trên sàn niêm yết vào đầu năm 2018.

Trước đó, HDBank đã thực hiện các đợt roadshow, tiếp xúc nhà đầu tư và được nhiều tổ chức đầu tư, định chế tài chính, các quỹ đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm và đặt mua số lượng gấp 3 số lượng chào bán.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s trong một báo cáo cập nhật gần đây đánh giá, đợt IPO của HDBank dự kiến sẽ rất khả quan và tăng điểm tích cực hơn nữa cho bậc tín nhiệm của HDBank trên thị trường, do thương vụ sẽ củng cố khả năng tạo vốn và khoảng đệm nguồn vốn cho quỹ dự phòng trong kế hoạch tăng trưởng mạnh của Ngân hàng.

Cũng theo Moody’s, đây sẽ là thương vụ IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng Việt Nam, sau vụ IPO của Vietcombank trị giá 463 triệu USD năm 2007. IPO của HDBank sẽ kết hợp giữa bán cổ phần hiện tại và phát hành thêm cổ phiếu mới, với giá trị phát hành thêm sau đợt phát hành và tăng này, những nhà đầu tư nước ngoài của Ngân hàng sẽ nắm giữ 21,5% cổ phần.

Tính đến ngày 30/9/2017, tổng tài sản của HDBank tăng 16,2% đạt 174.594 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng hơn 14% đạt 118.116 tỷ đồng. Qua 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng tăng trưởng 17,4% đạt 96.612 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý III của Ngân hàng đạt gần 825 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.538 tỷ đồng. HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016.

HDBank lọt top ngân hàng mạnh nhất châu Á

Xếp hạng công bố mới đây của The Asian Banker xác nhận, cùng với nhiều tên tuổi ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, HDBank đã lọt top những ngân hàng mạnh nhất khu vực.

Công bố dựa trên kết quả nghiên cứu hàng năm về hoạt động tài chính và kinh doanh của ngành ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của The Asian Banker đưa ra mới đây, thể hiện sự phát triển tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Có 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam được lọt vào danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá của tổ chức này.

Tiêu chí đánh giá của The Asian Banker dựa trên quy mô tài sản để cho ra danh sách 500 ngân hàng hàng đầu (AB500Rank) và xếp loại 500 ngân hàng dựa trên niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng (Strength Rank) - hay các ngân hàng mạnh nhất khu vực.

Trong bảng xếp hạng, về quy mô tài sản, Vietcombank đứng ở vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam (thứ hạng 188 trong bảng AB500Rank), nhưng lại được đánh giá cao về khả năng sinh lời khi xếp thứ 48 trong danh sách về Strength Rank, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Cùng với đó, HDBank trở thành nhân tố bất ngờ khi vượt lên nhiều ngân hàng về nỗ lực làm mới, để xếp ở vị top 8 cao hơn hẳn, cả ở hai tiêu chí đánh giá về quy mô tài sản và khả năng sinh lời. Theo đó, HDBank tiệm cận “cùng chiếu” những ngân hàng nhóm “Big four” như Vietcombank, BIDV, VietinBank.

HDBank sớm cán đích lợi nhuận
Tín dụng cải thiện dần, nợ xấu được đẩy nhanh tiến độ kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14… là các yếu tố đóng góp tích cực vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư