Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông Thuỷ sản Minh Phú sắp nhận khoảng hơn 164 tỷ đồng cổ tức năm 2022
Duy Bắc - 29/11/2023 11:40
 
CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 4,11%, tỷ lệ thấp nhất trong kế hoạch trả cổ tức được cổ đông thông qua đầu năm.

Ngày 13/12/2023, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 4,11%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 411 đồng và dự kiến thanh toán ngày 22/12/2023.

Với 399,89 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú sẽ trả tổng cộng 164,35 tỷ đồng trong lần trả cổ tức này.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền trong khoảng từ 4,11% đến 6,17% và bước sang năm 2023, kế hoạch cổ tức dự kiến từ 50% đến 70%.

Như vậy, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã chọn tỷ lệ trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ thấp nhất trong khoảng mà Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm đã thông qua.

Trái với kỳ vọng hồi phục, Thủy sản Minh Phú tiếp tục lỗ trong quý III/2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 2.993,28 tỷ đồng, giảm 41,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 23,41 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 328,97 tỷ đồng, tức giảm 352,38 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,5%, về còn 10,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 59,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 476,28 tỷ đồng, về 321,96 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 39%, tương ứng giảm 13,41 tỷ đồng, về 21,01 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 13,2%, tương ứng giảm 11,71 tỷ đồng, về 76,79 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27,1%, tương ứng giảm 103,91 tỷ đồng, về 279,71 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ mặc dù đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn kinh doanh thua lỗ, chủ yếu do hụt lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Lý giải việc kinh doanh thua lỗ trong quý III, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu giảm. Ngoài ra, do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thuỷ sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.

Lỗ thêm 109,72 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 7.465,77 tỷ đồng, giảm 46,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 109,72 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 571,38 tỷ đồng, giảm 681,1 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.789,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 639,3 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn cách rất xa kế hoạch lãi 639,3 tỷ đồng trong năm 2023.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc cho biết thực tế, Công ty có hợp đồng với đối tác nhưng các kho ở các nước nhập khẩu đang đầy, các khách hàng không nhập được, họ đề nghị để hàng ở Việt Nam, vì vậy sản lượng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận giảm. Ngoài ra, dịch bệnh ở vùng nuôi trong quý I/2023; quý II/2023 sẽ còn kém do mới bắt đầu giải quyết được vùng nuôi, mới bắt đầu thả nuôi. Trong đó, ở vùng nuôi Minh Phú Lộc An chưa khắc phục xong, Minh Phú Kiên giang dự kiến sang quý III sẽ bắt đầu thu tốt do đã thả nuôi trở lại.

“Từ quý III và quý IV/2023, thị trường dự kiến tốt hơn, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng tồn kho, sẽ có lợi nhuận. Công ty vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch, Công ty sẽ xem xét tình hình thực tế, sẽ thông tin cho cổ đông trong tháng 8/2023”, ông Lê Văn Quang tự tin kỳ vọng.

Mặc dù vậy, thực tế quý III vẫn lỗ, luỹ kế lỗ trong 9 tháng đầu năm, điều này cho thấy kỳ vọng hồi phục giai đoạn cuối năm của Lê Văn Quang đã không được như kỳ vọng.

Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn ghi nhận âm 467,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 232,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 335,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 371,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2023

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng nhẹ 3,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 335,5 tỷ đồng, lên 10.973,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ là tồn kho ghi nhận 5.650,9 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.502,3 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.375,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.348,2 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tồn kho tăng 12% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 603,6 tỷ đồng, lên 5.650,9 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chủ yếu ghi nhận 5.340,6 tỷ đồng thành phẩm, hàng hoá; 236,3 tỷ đồng sản phẩm dở dang; 140,05 tỷ đồng nguyên vật liệu; và còn lại 18,8 tỷ đồng là công cụ, dụng cụ.

Như vậy, trong bối cảnh kinh doanh lao dốc và thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vẫn đẩy mạnh tích trữ tồn kho.

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 9,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 374,5 tỷ đồng, lên 4.291,8 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 4.079,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 212,3 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, cổ phiếu MPC tăng 200 đồng, lên 17.300 đồng/cổ phiếu.

Thủy sản Minh Phú muốn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản
Sở hữu quỹ tiền mặt 540,8 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC - UPCoM) muốn lấn sân và mở rộng thêm hoạt động trong lĩnh vực kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư