Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông tức, ức với cổ tức ngân hàng
 
Mức chia cổ tức năm 2016 tại nhiều nhà băng có phần nhỉnh hơn năm trước, nhưng cổ đông vẫn tỏ ra bức xúc vì chưa được nhận “tiền tươi thóc thật”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Đa số cổ đông bằng “tiền tươi thóc thật”. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mức cổ tức 2016 được một số nhà băng trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội năm nay có phần cải thiện đáng kể. Chẳng hạn, ACB xin chia cổ tức 2016 tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu; LienvietpostBank chia cổ tức 2016 là 10% và kế hoạch cổ tức năm 2017 là 12%; HDBank chia cổ tức 2016 cho cổ đông bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng ở mức 9% bằng cổ phiếu…

Nhìn chung, cổ tức được các ngân hàng chia ở mức cao chủ yếu bằng cổ phiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ trong năm nay, chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực Basel II với các điều kiện ngặt nghèo hơn về sức khỏe tài chính. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đã khiến không ít cổ đông ngân hàng bức xúc, đặc biệt là trong bối cảnh giá cổ phiếu của ngân hàng chưa tăng trở lại, ngoại trừ một số cổ phiếu như ACB, VCB, MB...

Ông Nguyễn Dương Tuấn, cổ đông của một ngân hàng có vốn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng trên địa bàn TP.HCM cho rằng, tỷ lệ cổ tức 2016 của ngân hàng này tuy có cải thiện, “nhưng chia bằng cổ phiếu thì có cũng như không”. Bởi cổ phiếu của nhà băng này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, tính thanh khoản thấp và giá cổ phiếu vẫn giao dịch dưới mệnh giá.

Sau khi chia cổ tức, cổ phiếu bị điều chỉnh giá, mà lượng cổ phiếu nhiều lên, cổ đông càng "khó đẩy được hàng đi". Mong muốn của ông Tuấn cũng như một số cổ đông khác tại ngân hàng này là được nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Thế nhưng, Hội đồng quản trị nhà băng trên khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, không thể chia cổ tức bằng tiền mặt, mà phải chia bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

Tại một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ cổ tức năm 2016 chỉ được chia ở mức 3 - 4% khiến cổ đông không mấy hài lòng vì cho rằng mức cổ tức này thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng.

Đáp lại ý kiến cổ đông, hội đồng quản trị các nhà băng cho rằng, chính bản thân họ cũng là cổ đông của ngân hàng, họ cũng buồn khi không có cổ tức, nhưng cần nhìn trong bối cảnh thị trường khó khăn, các ngân hàng khác cũng vậy, nên cổ đông cần chia sẻ khó khăn với ngân hàng.

Đặc biệt, ở những nhà băng đang thực hiện tái cấu trúc sau M&A thì cổ đông không thể kỳ vọng có cổ tức. Lãnh đạo của các nhà băng này cho hay, Ngân hàng Nhà nước quy định trong quá trình tái cấu trúc, ngân hàng cần tăng cường năng lực tài chính, lợi nhuận để lại và không chia cổ tức. Đơn cử tại SCB, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tính đến cuối năm 2016 là hơn 500 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên không thể chia cổ tức.

Eximbank tuy đã có lãi trong năm 2016 với mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 400 tỷ đồng, nhưng do Ngân hàng vẫn lỗ lũy kế 461 tỷ đồng nên không chia cổ tức cho năm tài chính 2016. Vì thế, không ít cổ đông của Eximbank rất bức xúc khi Hội đồng quản trị vẫn đề nghị mức thù lao 5 tỷ đồng cho lãnh đạo. Một cổ đông Eximbank cho rằng, Ngân hàng đừng để tình trạng nhiều năm cổ đông không được chia cổ tức.

Trả lời cổ đông về việc không chia cổ tức, ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cho biết, Ngân hàng có nền tảng vững, nhưng còn nhiều vấn đề tồn đọng, cần thời gian xử lý. Dự kiến, đến giữa năm 2018, Eximbank mới khắc phục được những vấn đề tồn đọng, sau đó mới tính đến chuyện chia cổ tức.

“Việc bù đắp lỗ lũy kế song song với chia cổ tức, chúng tôi sẽ xin ý kiến cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước, nhưng về cơ bản là rất khó”, lãnh đạo Eximbank nói.

Liên quan đến câu chuyện trả cổ tức của các ngân hàng thương mại cổ phần, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM cho biết, có 4 vấn đề các ngân hàng cần phải giải quyết trước khi thực hiện chia cổ tức.

Thứ nhất, ngân hàng cần phải xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Thứ hai, việc chia cổ tức diễn ra sau khi ngân hàng đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng thời xử lý các khoản lãi dự thu.

Thứ ba, ngân hàng phải đảm bảo các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, phải trích lập các quỹ theo quy định.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, sau khi đảm bảo hết nghĩa vụ tài chính, trích lập đầy đủ các quỹ ngân hàng mới được phép chia cổ tức.

Theo ông Dũng, việc đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn là quan trọng nhất, nên có thể năm nay cổ đông nhà băng không có cổ tức, nhưng năm sau sẽ có, đồng tiền vẫn còn đó, giá trị vẫn còn đó.               

Ngân hàng tính gì khi trả cổ tức bằng cổ phiếu
Hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng đang ở mức tối thiểu và có nguy cơ bị “thủng” lưới an toàn nếu Hiệp ước vốn Basel II được áp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư