Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp Hà Nội
Huyền Châu - 28/11/2013 22:23
 
Thời gian qua, khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Song nhìn chung, các số liệu về doanh thu và xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) trên địa bàn vẫn đạt mức tăng khá, qua đó góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế cũng như đóng góp đáng kể cho kinh tế Thủ đô.

Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các KCN và KCX Hà Nội
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các KCN và KCX Hà Nội

Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các KCN và KCX Hà Nội đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodauu.vn.

Hà Nội là một trong những trung tâm thu hút đầu tư lớn trong cả nước, với nhân tố quan trọng là các KCN và KCX. Thưa ông, kết quả thu hút và quản lý đầu tư tại các KCN và KCX trên địa bàn diễn biến ra sao trong thời gian qua?

Sau 18 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KCX và khu công nghệ cao Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hiện tại, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN cao nhất nước (trên 95% diện tích đất công nghiệp), số dự án, số vốn đăng ký đầu tư, số lao động chiếm khoảng 10% toàn bộ các KCN trên toàn quốc. Tính đến nay, các KCN Hà Nội đã thu hút 545 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 4,62 tỷ USD và 10.800 tỷ đồng, trong đó hơn 450 dự án đã đi vào hoạt động.

Riêng trong năm nay, các KCN trên địa bàn Hà Nội đã thu hút khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư; doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN dự kiến đạt trên 5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012 và giá trị xuất khẩu tăng 11%; giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động.

Mỗi héc - ta đất trong KCN bình quân đã tạo việc làm mới cho trên 100 lao động và nộp ngân sách trên 1,5 tỷ đồng. Các KCN đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và trên 20% GDP của Thành phố, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Hiện có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các KCN, trong đó các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử chiếm 55%, cơ khí chiếm

19 %. Những quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ trọng vốn đăng ký FDI hàng đầu là Nhật Bản (chiếm 54%); Trung Quốc, Hồng Kông...

Nhiều dự án có quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD, sử dụng công nghệ cao, như Canon, Panasonic, Yamaha, Meiko, YoungFast...

Được biết, hai KCN mới đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố năm 2013 là những KCN trọng điểm với những định hướng phát triển đặc biệt. Ông có thể cho biết thêm về điều này?

Khu công viên phần mềm công nghệ thông tin do CTCP Him Lam làm chủ đầu tư hạ tầng đã được Ban Quản lý các KCN và KCX Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01221000447 ngày 19/9/2012. Đây là nơi thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm - outsourcing và các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn khác.

Đây cũng là KCN công nghệ thông tin có khả năng cạnh tranh với các trung tâm công nghệ thông tin tương tự trong khu vực và trên thế giới. Hiện, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được 23,57 ha/36 ha, triển khai đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung và thu hút được 1 dự án đầu tư của Nhật Bản, với tổng mức đầu tư là 200 triệu USD.

KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) đã được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 1121001128 ngày 12/12/2012. Với tổng diện tích 568 ha (dự kiến mở rộng lên 2.000 ha), HANSSIP là khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ nằm tại vị trí chiến lược, giáp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

HANSSIP được kỳ vọng sẽ trở thành thủ phủ công nghiệp hỗ trợ trong tương lai và là KCN đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ. Việc đầu tư KCN này được phân kỳ thành 5 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1 tỷ USD, riêng phân kỳ I có diện tích 72 ha, bao gồm KCN rộng 48 ha và khu đô thị 24 ha; hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I và đang tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến, tháng 1/2014, có thể bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ phát xây dựng nhà máy.

Hai KCN này sẽ làm cho công nghiệp Hà Nội thực hiện được vai trò đặc biệt của mình là trung tâm hỗ trợ của công nghiệp Thủ đô với các địa phương khác.

Định hướng về quy hoạch, phát triển KCN, KCX trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 cụ thể như thế nào?

Theo Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước, đồng thời là trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Bắc và trung tâm công nghệ cao của cả nước. Trong đó, các KCN Hà Nội không chỉ phục vụ Thủ đô Hà Nội, mà còn là nơi nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất vật liệu... để áp dụng, cung cấp cho tất cả các ngành kinh tế trong cả nước, bao gồm công nghệ sinh học, điện tử tin học, góp phần vào công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Hà Nội vừa củng cố, nâng cao chất lượng 8 KCN đang hoạt động, vừa tiếp tục triển khai các KCN chuyên ngành, như KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (diện tích 440 ha) được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội ưu tiên đầu tư để thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong đó, giai đoạn I đã giải phóng mặt bằng và thi công san lấp mặt bằng được 67 ha (dự kiến đến quý I/2014 bắt đầu có thể cho doanh nghiệp thứ phát thuê); khu công viên công nghệ thông tin (36 ha) đang triển khai xây dựng hạ tầng; các KCN mới đang làm thủ tục chuẩn bị đầu tư: KCN sạch Sóc Sơn (300 ha); KCN công nghệ cao Quang Minh II (266 ha).

Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường, như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành đòi hỏi công nghệ cao như công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm ít gây ô nhiễm môi trường; các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nguồn lực lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao được đào tạo tại các trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

Vậy việc bố trí nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội cho các lao động tại các KCN, KCX trên địa bàn được thực hiện ra sao, thưa ông?

Với vị thế là một trong những trung tâm giáo dục lớn của cả nước, mỗi năm, Hà Nội có hàng trăm ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng ra trường, cung cấp một lượng lớn lao động chất lượng cao.

Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã ký nhiều chương trình hợp tác với các trường đào tạo nghề và các trường phổ thông làm cầu nối giữa nhu cầu lao động của doanh nghiệp với các trường, đồng thời chỉ đạo xây dựng các KCN theo hướng đô thị công nghiệp đồng bộ hạ tầng kinh tế và xã hội, trong đó có các khu nhà ở cho công nhân tại các KCN.

Đây là nhân tố tích cực giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, đồng thời góp phần duy trì nguồn lao động ổn định, lâu dài cho các KCN.

Để biết thêm thông tin chi tiết về các KCN, KCX, khu công nghệ cao Hà Nội - tiềm năng và cơ hội vàng về hợp tác đầu tư, xin liên hệ với Trung tâm Thông tin và Xúc tiến đầu tư (thuộc Ban Quản lý các KCN và KCX Hà Nội).

Địa chỉ: Tòa nhà CC02, Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông (Hà Nội).

Điện thoại: (04) 33 560 714;

Fax: (04) 33 561 580;

Email: [email protected]

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư