Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cơ hội mới từ lĩnh vực quản lý tài sản
Thị Hồng - 18/11/2021 17:26
 
Dù còn trong giai đoạn sơ khai, song lĩnh vực quản lý tài sản (wealth management) tại Việt Nam đã xuất hiện một số start-up nổi bật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thói quen tích lũy và đầu tư thay đổi

Được gọi nôm na là một tiểu khu của lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), wealthtech kết hợp giữa công nghệ và quản lý tài sản để cung cấp các giải pháp đầu tư, quản lý tài sản thông qua các công cụ số. Sự thay đổi trong cách mọi người (đặc biệt người trẻ) quản lý tiền và những gì họ chọn để đầu tư khiến lĩnh vực này phát triển mạnh.

Theo KPMG, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như điểm đến hàng đầu cho lĩnh vực quản lý tài sản. Riêng tại thị trường Việt Nam, hàng loạt lợi thế đang tạo nên cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như start-up tham gia thị trường: tốc độ đường truyền Internet chỉ đứng sau Singapore (trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương), tổng giá trị các giao dịch thanh toán kỹ thuật số năm 2020 khoảng 8,6 tỷ USD và đến năm 2024 là 14,9 tỷ USD, nền kinh tế đang phát triển cùng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tỷ lệ dân số trẻ…

KPMG nhận định, dù thị trường quản lý tài sản ở Việt Nam còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng cũng dần bắt kịp các thị trường khác như Thái Lan và Malaysia, đã có một số start-up nổi bật như Finhay, Infina, Tikop… Trong đó, Finhay ra đời năm 2017, đã huy động được gần triệu 1 USD từ Insignia Ventures Partners cùng một số nhà đầu tư khác. Finhay đặt mục tiêu giúp các khách hàng sinh ra trong giai đoạn 1980-2000 (Milennials) tiếp cận các quỹ tài chính tại Việt Nam để tiết kiệm và đầu tư với số tiền chỉ từ 50.000 đồng.

Còn Infina và Tikop (sản phẩm của Công ty Techlab) ra đời 3 năm sau đó. Trong khi Tikop cho phép người dùng đầu tư với số tiền nhỏ, chỉ từ 50.000 đồng như Finhay, thì Infina đưa ra mức tối thiểu là 500.000 đồng (do cơ cấu sản phẩm khác nhau). Infina vừa công bố hoàn tất vòng hạt giống với trị giá 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư.

Thời điểm hút khách hàng với chi phí thấp

James Vương, nhà sáng lập Infina tin rằng, những nhà đầu tư thế hệ mới (8x, 9x) đóng vai trò then chốt của thị trường đầu tư. Nếu thói quen của thế hệ trước đây là để tiền trong tài khoản tiết kiệm hoặc bất động sản dài hạn, thì nhà đầu tư thế hệ mới đang dần chuyển hướng sang những kênh đầu tư linh hoạt, với số vốn tối thiểu thấp hơn. Họ cũng có thể đầu tư vào các cổ phiếu phổ biến thông qua công ty môi giới.

Tại Việt Nam, James Vương kỳ vọng, Infina có thể chứng minh cho câu chuyện “mọi người đều có thể đầu tư với số vốn nhỏ”, dù đây là chặng đường mất nhiều thời gian để đến đích như cách mà nền tảng Robinhood đã làm được tại Mỹ. Ông Herston Powers, Giám đốc 1982 Ventures (quỹ đầu tư vừa tham gia đầu tư vào Infina) đánh giá, Việt Nam là thị trường hứa hẹn nhất cho làn sóng tích lũy và đầu tư .

Từ khi đại dịch xảy ra đến nay, hàng loạt start-up có chung số phận với nhiều doanh nghiệp trên thị trường, khi phải vật lộn với bài toán kinh doanh để tồn tại. Dù vậy, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures nhận thấy, đây là “thời của nhiều start-up”.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 114.713 đơn vị trong tháng 9/2021 (giảm 4,7% so với tháng 8) - là tháng thứ 7 liên tiếp có hơn 100.000 tài khoản chứng khoán được mở mới. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, có khoảng 956.081 tài khoản chứng khoán mở mới, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020.

“Với start-up, đây là giai đoạn có thể thu hút được khách hàng với chi phí rẻ nhất và chưa bao giờ tốt như bây giờ”, bà Uyên Vy nói về lĩnh vực wealthtech.

Start-up logistics nên chủ động quay vòng vốn nhanh
Các start-up nói chung và start-up trong lĩnh vực logistics nói riêng nên tập trung vào thế mạnh, tìm ra tệp khách hàng có thể tạo lợi nhuận cho mình,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư