Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Hữu Tuấn - 12/04/2020 13:37
 
Việc hạn chế ra đường, tiếp xúc trực tiếp do dịch Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hình thành nên chính quyền số, Chính phủ số.
Trong hơn 1 tháng qua, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi. Ảnh: Đức Thanh
Trong hơn 1 tháng qua, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi. Ảnh: Đức Thanh

Một tháng bằng 10 năm

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian “cả xã hội cách ly”, UBND tỉnh này yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp trực tuyến qua mạng, nộp và nhận kết quả qua đường bưu điện, không nhận hồ sơ trực tiếp. Với các thủ tục hành chính đã được công bố, hệ thống cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và được nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở.

UBND TP. Hà Nội và TP.HCM cũng đã chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường truyền thông để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công của 2 thành phố và trang dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, UBND các quận huyện. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, công khai thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cũng cho biết, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, VietnamPost và các bưu điện tỉnh đều xác định việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Các bưu điện tỉnh bố trí đầy đủ các điểm tiếp nhận, nguồn nhân lực cũng như các phương tiện cần thiết để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh nhanh chóng, an toàn. Khi Covid-19 xảy ra, VietnamPost đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.

Theo thống kê, đến cuối tháng 2/2020, đã có hơn 3 triệu lượt hồ sơ được người dân và các tổ chức doanh nghiệp lựa chọn theo hình thức nhận hồ sơ tại các bưu cục, nhận hồ sơ tại nhà và trả kết quả tại địa chỉ yêu cầu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong hơn 1 tháng qua, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi, đạt 24%. Sau 20 năm phát triển Chính phủ điện tử, tỷ lệ này mới là 12%.

Các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành gần như không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với bệnh dịch.

“Diễn biến của dịch Covid-19 khiến người lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có tâm lý e ngại, hạn chế tụ tập nơi đông người. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là biện pháp hiệu quả giúp phòng dịch, qua đó thúc đẩy triển khai, sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, đại diện Cục Tin học hóa đánh giá.

Chính phủ hỗ trợ địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của bộ, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Văn phòng chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ tổ chức phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến như: Hỗ trợ UBND TP.HCM, TP. Hà Nội rà soát, kiểm thử, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có đối tượng thực hiện lớn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian từ ngày 3/4/2020 đến ngày 18/4/2020 để kịp thời phục vụ cá nhân, tổ chức ở hai thành phố giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

“Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 9/12/2019) đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 103.000 tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đà Nẵng đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động
Truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Đà Nẵng theo địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn, doanh nghiệp và người dân sẽ được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư