Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội xuất khẩu hàng chục nghìn lao động điều dưỡng sang Nhật Bản, Đức
Trần Hà - 11/09/2018 17:20
 
Việc Nhật Bản đồng ý tiếp nhận thêm 10.000 điều dưỡng viên Việt Nam từ nay tới năm 2020 cùng với những tiềm năng từ thị trường Đức khiến cơ hội xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng càng thêm rộng mở.

Nhật Bản tiếp nhận thêm 10.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam

Theo tờ Nikkei Asian Review, Chính phủ Nhật Bản đã nhất trí với kế hoạch tiếp nhận thêm 10.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam từ nay đến giữa năm 2020 sang làm việc nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng nghiêm trọng của nước này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Công ty Esuhai - một doanh nghiệp lớn chuyên đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản khẳng định, với quyết định gia tăng số lượng tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam của Nhật Bản, doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch đưa lao động ngành này sang Nhật Bản với mục tiêu tạo bước đệm để có lao động kỹ năng quay trở lại phục vụ nhu cầu điều dưỡng trong nước.

Các thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý phải hoàn thành khóa huấn luyện kỹ thuật và đảm bảo trình độ tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc.
Các thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý phải hoàn thành khóa huấn luyện kỹ thuật và đảm bảo trình độ tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho phép 6 doanh nghiệp ở phía Bắc được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; đồng thời cho biết, sẽ nghiên cứu đưa ra quy trình chuẩn để có cơ sở tuyển chọn, mở rộng các doanh nghiệp có năng lực thực hiện đưa lao động điều dưỡng sang Nhật Bản.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, phía Nhật Bản đã nới lỏng quy định về trình độ ngôn ngữ, cho phép thực tập sinh Việt Nam chỉ cần tham gia kỳ thi đánh giá để có trình độ tiếng Nhật tương đương N3 và nếu muốn, có thể học 400 tiết để thi đỗ kỹ năng địa phương là đã được coi như hộ lý của Nhật  Bản (hộ lý của địa phương đó).

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, phía Nhật Bản đã nới lỏng quy định về trình độ ngôn ngữ với thực tập sinh Việt Nam.

Như vậy, cơ hội xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng đang rộng mở. Tờ Nikkei Asian Review thông tin thêm, những lao động nói được tiếng Nhật giao tiếp ở mức độ nhất định có thể được cấp quyền cư trú với thời hạn lên tới 5 năm. Chính phủ nước này cũng sẽ xây dựng một chương trình mới cho phép những người đã hoàn thành khóa huấn luyện về kỹ thuật điều dưỡng có thể ở lại Nhật Bản thêm 5 năm nữa. Cùng với đó, những lao động này sẽ được trả mức lương giống lao động người bản xứ.

Đây cũng là một trong những nội dung trước đó đã được ông Liêm tiết lộ sẽ đưa lên bàn đàm phán với phía Nhật Bản.

Thêm hứa hẹn từ thị trường Đức

Trong buổi làm việc mới đây tại Việt Nam, ông Herrmann, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (Đức) - đơn vị được phía Đức giao nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội) tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng, chăm sóc người già tại Đức khẳng định, nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng tại Đức là rất lớn.

Theo Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ông Wolfgang Manig, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cùng nhu cầu chăm sóc tại nhà, trại dưỡng lão, bệnh viện cho khoảng 2,3 triệu người già hiện tại đang khiến nước Đức trở thành quốc gia thiếu hụt lao động ngành điều dưỡng.

Đề cập cơ hội thăng tiến cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức, ông Herrmann cho biết, điều dưỡng viên lao động chăm chỉ, có kỹ năng làm việc tốt có thể vươn lên vị trí trưởng khoa sau 5 - 6 năm làm việc hoặc vị trí trưởng quản lý điều dưỡng trong viện dưỡng lão sau 10 năm làm việc.

“Mặc dù mới tổ chức được 2 khóa đào tạo và đưa được gần 300 lao động Việt Nam sang Đức từ năm 2015, nhưng Vivantes đã chọn được 6 học viên của khóa đào tạo đầu tiên trưởng thành trong công việc để bổ nhiệm chức vụ quản lý phụ trách đào tạo thực hành cho các điều dưỡng viên mới tại Công ty”, ông Herrmann thông tin.

Cũng cần nói thêm, Vivantes là đơn vị duy nhất được phía Đức ủy nhiệm phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện Ý định thư giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức về hợp tác đưa lao động ngành điều dưỡng của Việt Nam sang làm việc tại Đức.

Khẳng định Đức là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng, vì người lao động được hưởng nhiều hỗ trợ, mức lương khá cao, nhưng ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cũng lưu ý, người lao động cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về sức khỏe, trình độ ngoại ngữ trước khi được cấp visa sang Đức học tập ngành điều dưỡng 2 năm, sau đó mới chính thức có chứng chỉ hành nghề được công nhận toàn Liên bang.

“Với khóa III, chúng tôi đã lựa chọn được 176 hồ sơ ứng viên để học tiếng. Nhưng sau gần 1 năm đào tạo, chỉ có 110/176 học viên đáp ứng các điều kiện về sức khoẻ, trình độ B1 tiếng Đức và được Trung tâm Lao động ngoài nước hoàn tất thủ tục xin visa để xuất cảnh sang Đức học tập và làm việc trong tháng 9/2018”, ông Tùng cho biết.

Thí điểm đưa lao động điều dưỡng sang Nhật: Chỉ 6 doanh nghiệp được chọn
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa lựa chọn 6 doanh nghiệp ở phía Bắc để thí điểm đưa lao động ngành hộ lý, điều dưỡng sang Nhật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư