Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Có không mưu toan xoá sổ nông trại đạt chuẩn quốc tế của Vinamit để phân lô bán nền?
Ngô Nguyên - 08/06/2020 11:57
 
Vinamit hoang mang khi cơ quan chức năng Bình Dương liên tục thanh kiểm tra xuất phát từ đề xuất “lạ lùng” là xóa sổ nông trại hơn 152 ha để làm khu dân cư của một cử tri.
Cử tri ý kiến “lạ”, chính quyền đáp ngay
Công ty cổ phần Vinamit có Nông trại Vinamit Organic Farm diện tích hơn 152 ha nằm ở huyện Phú Giáo (Bình Dương), đã đạt chứng nhận Organic USDA, Organic EU, Oganic China.
Nông sản sạch từ nông trại này cung cấp cho nhà máy chế biến của Vinamit tại Bình Dương với tiêu chuẩn hữu cơ, không chỉ cung cấp trong nước, mà xuất đi các nước châu Á, thậm chí cả thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.
Thương hiệu và doanh nghiệp tên tuổi như thế, nhưng hiện cả ngàn người lao động Vinamit lại bất ngờ và hoang mang khi chính quyền tỉnh Bình Dương liên tiếp thanh kiểm tra để đáp ứng ý kiến “lạ” của một cử tri muốn xóa sổ nông trại để làm khu dân cư.
Cụ thể, trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo, có 1 cử tri xã Phước Sang bỗng đề xuất: “Đề nghị tỉnh xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương!”. 
Nông trại Vinamit tại Bình Dương
Nông trại Vinamit tại Bình Dương.
Đề xuất trên “lạ” ở chỗ, người đề xuất không thể biết được hiệu quả kinh doanh của Vinamit - là doanh nghiệp tư nhân, để đong đếm so sánh giá trị với việc làm dự án bất động sản.  
Đó là chưa nói rất nhiều dự án bất động sản ở Bình Dương, ngay cả Thành phố mới Bình Dương 1.000 ha được xem là một "Singapore thu nhỏ", nhưng hơn 10 năm qua "siêu dự án" vẫn lác đác người mua ở.
Đó là chưa nói, theo quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, thì hơn 152 ha của Vinamit thuộc quy hoạch đất nông nghiệp. 
Hơn thế nữa, trên trang thông tin điện tử chính thống của mình, UBND huyện Phú Giáo cũng chỉ rõ: "Vùng đất Phú Giáo là đất bazan xám rất phù hợp trồng cây công nghiệp và các loại cây ăn quả… Đất đai, khí hậu, sông suối Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hiện là thế mạnh của huyện và các trang trại trồng trọt chăn nuôi tại huyện đang là lợi thế đưa nền nông nghiệp đi lên theo hướng sản xuất lớn”.
Ấy thế mà khi cử tri muốn làm khu dân cư kiểu phân lô bán nền phá vỡ thế mạnh địa phương, trật quy hoạch như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại “được lời như cởi tấm lòng” đáp ứng ngay.
Trên cơ sở kiến nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo. Liên quan nội dung kiến nghị của người dân về quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, Sở Tài nguyên và Môi trường  ghi nhận và phối hợp cùng UBND huyện Phú Giáo xác định các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Nói là làm, tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lập đoàn kiểm tra với nhiệm vụ “kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Vinamit”. 
Chưa đóng góp ngân sách địa phương là… địa phương nào? 
Ngày 8/1/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã có kết luật kiểm tra số 102/KL-STNMT về việc kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Vinamit thể hiện: hơn 152 ha đất nông trại của Vinamit được chính UBND tỉnh Bình Dương cấp với hình thức cho thuê, thu tiền một lần và hiện trạng sử dụng làm đất trồng cây ăn trái như mít, chuối, rau… và xưởng, nhà kho, nhà kính, chuồng trại… So với quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Giáo mà UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt thì phù hợp quy hoạch đất nông nghiệp. 
Tóm lại, Sở không chỉ ra được sai phạm nào liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhưng lại “lái vấn đề” khi kết luận: "Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”. 
Trước văn bản này, ở vế thứ nhất “chưa đóng góp vào ngân sách địa phương”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit  cho chúng tôi xem hàng loạt chứng từ liên quan đến việc đóng thuế của doanh nghiệp. 
Theo đó, năm 2019, Vinamit đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỷ đồng, năm 2018 gần 30 tỷ đồng, năm 2017 hơn 28 tỷ đồng. Đó là chưa nói hàng tỷ đồng mỗi năm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại. 
“Trụ sở chúng tôi ở Bình Dương, nông trại lớn cũng tại đây. Hàng năm, chúng tôi đóng thuế cho ngân sách Bình Dương tăng như vậy thì tại sao nói chưa đóng góp ngân sách địa phương? Địa phương là địa phương nào? Vinamit sản xuất, kinh doanh bằng tiền túi mình, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì đóng góp ngân sách chính là nộp thuế mà?”, ông Viên ngơ ngác. 
Với vế thứ hai của kết luận “hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp”, ông Viên cho rằng, mỗi doanh nghiệp tư nhân đều có chiến lược sản xuất cho từng mặt hàng, đối với sản phẩm hữu cơ thì kịch bản là làm sao phải bán với giá cả phải chăng và gần tương đương với việc chi tiêu của các hộ gia đình để mọi người đều có thể tiếp cận sản phẩm hữu cơ. Việc đánh giá về hiệu quả dự án sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp phải có tiêu chí rõ ràng, mới không làm khó làm khổ họ.
“Nông sản từ nông trại là nguồn nguyên liệu để Vinamit chế biến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng cung cấp ra thị trường. Hiệu quả là lợi nhuận doanh nghiệp thu về khi bán sản phẩm hoàn thiện chứ không thể nhìn ngọn rau, trái mít trên cây để đo đếm so sánh. Và công ty chúng tôi luôn có lợi nhuận nên nộp thuế năm sau cao hơn năm trước cho ngân sách tỉnh Bình Dương!”, ông Viên nói. 
Đó là chưa nói, giá trị của sản xuất nông sản sạch không chỉ ở tiền, mà còn là sức khỏe - vốn quý giá nhất của con người - trong bối cảnh bệnh ung thư bùng phát và vô phương cứu chữa như hiện nay. 
Và hơn nữa, Vinamit như “hàng hiếm” khi chọn con đường chông gai nhất nhì ngành nông nghiệp là đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không hóa chất phân bón thuốc trừ sâu độc hại. Và trên mảnh đất hơn 152 ha đó, từ 7 năm trước, Vinamit đã cải tạo, rửa sạch đất để chuyên canh hữu cơ và đã được chứng nhân hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu và cũng là công ty duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc.
Nên đáng lẽ phải được khuyến khích tạo điều kiện phát triển thì…
Chưa dừng lại toan tính 
Từ kết luận “chưa đóng góp cho ngân sách địa phương”, Sở Tài nguyên và Môi trường vận dụng khoản 2 Điều 6 Luật đất đai 2013 “sử dụng đất phải tiết kiệm có hiệu quả” để kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp sở ngành kiểm tra toàn diện đối với dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit để có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án và đóng góp vào ngân sách địa phương. Từ đó có kiến nghị về định hướng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp một cách hiệu quả. 
Ngày 17/12/2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là ông Mai Hùng Dũng ký văn bản số 6490/UBND-KT giao Thanh tra tỉnh phối hợp sở, ngành thanh kiểm tra “tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật” tại dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit.
“Lệnh” này căn cứ vào báo cáo kết quả kiểm tra số 6003/BC-STNMT ngày 10/12/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường chứ không phải dựa vào kết luận kiểm tra số 102 ký ngày 8/1/2020 của chính Sở Tài nguyên và Môi trường. 
Sau đó, theo tờ trình của Thanh tra, tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm đã ký quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật với dự án trên diện tích hơn 150 ha của Vinamit.
Đáng lưu ý, yêu cầu thanh kiểm tra thời gian “từ khi thực hiện dự án đến nay”, nhưng UBND tỉnh Bình Dương cũng nhấn nhá thêm: “Nếu cần thiết có thể xem xét trước và sau giai đoạn nêu trên”. 

Thanh tra tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Vinamit báo cáo nhiều vấn đề như tình hình đầu tư, hiệu quả và đặc biệt là hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất hơn 150 ha.
Khá hoang mang, ông Viên cho biết, hơn 150 ha đất, nguyên là nông trại Phước Sang của Trường Đại học Cần Thơ. Trường này đã bỏ tiền đền bù đất công theo mức giá tại Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 6/3/1999 của UBND tỉnh Bình Dương. 
Sau đó, Vinamit sang nhượng lại quyền sử dụng đất trên rồi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho chuyển đổi sang hình thức giao đất có đóng tiền sử dụng đất một lần tại quyết định 4519/UBND-SX ngày 9/10/2007 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân ký.  
Tháng 12/2007, Vinamit đã đóng hơn 32 tỷ đồng tiền sử dụng đất một lần và được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cập nhật thay đổi vào sổ đỏ năm 2008. Từ đó đến nay, Vinamit trồng trọt làm vùng nguyên liệu theo đúng mục đích sử dụng đất đã được cấp phép. Điều nay ngay chính kết luận kiểm tra mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường. 
Vinamit tiền thân là Công ty TNHH Đức Thành với tên giao dịch nước ngoài là Delta Food, sau này là Công ty cổ phần Delta Food. Vinamit khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến trái cây năm 1988, được xem là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến hoa quả sấy khô. Hiện với việc canh tác hoàn toàn hữu cơ không sử dụng hóa chất, Vinamit là đơn vị tiên phong trong ngành nông nghiệp Organic ở Việt Nam và cũng là doanh nghiệp “hàng hiếm” khi sở hữu toàn bộ công nghệ chế biến thực phẩm nông sản sau thu hoạch đạt được hàng loạt chứng chỉ quốc tế như ; chứng chỉ HACCP; chứng chỉ Thực phẩm HALAL; chứng chỉ KOSHER; Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008; Chứng chỉ FDA; Chứng chỉ Organic USDA; chứng chỉ Organic EU, Oganic China…
Ông chủ Vinamit: Từ cuộc chiến thương hiệu tới nông pháp… hữu cơ
Kinh nghiệm để đời sau cuộc chiến giành lại thương hiệu Vinamit tại thị trường Trung Quốc và cách đi vào nông nghiệp hữu cơ của ông Nguyễn...
Bình luận bài viết này
  • HM 15:43 | 08-06-2020
    Người ơi nhớ chăng điệp khúc khi xưa " ... trãi thảm đỏ ..."?
Xem thêm trên Báo Đầu Tư