Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cuộc đời chìm nổi của doanh nhân Việt đêm trước đổi mới
Bảo Duy - 05/10/2014 09:42
 
Mất một thời gian dài vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng trong nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nhân đã được ghi nhận và tôn vinh xứng đáng. Song, những ghềnh thác lớn đang khiến nhiều doanh nhân lao đao. Có người thoái lui. Có người cầm cự. Nhưng cả đội ngũ vẫn đang tiến lên phía trước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm tỷ lệ sở hữu tại Vingroup
Chuyện về tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Giấc mơ doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi
Những ứng viên tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam
Doanh nhân Việt mua thị trấn Mỹ bán lại thương hiệu cà phê cho Kinh Đô
Kỷ nguyên của các nữ triệu phú sắp tới
Forbes vinh danh 3 nữ doanh nhân Việt quyền lực

Khai sinh vất vả

Cuộc đời chìm nổi của Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn có thể là một trong nhiều ví dụ điển hình cho sự hoài thai khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trong đêm trước đổi mới.

  Cuộc đời chìm nổi của doanh nhân Việt đêm trước đổi mới  
  Cộng đồng doanh nhân Việt mất một thời gian dài vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng trong nền kinh tế và được ghi nhận như ngày hôm nay  

Khởi nghiệp vào năm 1959 bằng kinh nghiệm học được từ Tổ hợp tái chế lốp ô tô cũ và ý chí thoát nghèo, ông và gia đình thoát nghèo và bắt đầu dư dật từ làm lốp. Khi đó, hàng hóa nghèo nàn, khó khăn, lốp của ông nhanh chóng có chỗ đứng.

Nhưng cũng bắt đầu từ đó, cuộc đời ông sang những trang đen tối hơn cả nghèo đói, khi chiếc vòng kim cô đối với sản xuất cá thể siết chặt mọi cơ hội sinh tồn và phát triển của các cơ sở sản xuất tư nhân. Ba bốn bận bị tịch thu tài sản, ba phen đi tù, nhưng cứ sau mỗi lần tai họa ập đến, ông lại vượt lên, làm lại.

Đầu năm 1980, ông cho ra đời lốp xe đạp với thương hiệu Quyết Thắng – niềm mơ ước của nhiều người dân miền Bắc khi đó. Sản phẩm được Ban Khoa học - Kỹ thuật UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận chất lượng vào năm 1982 và được trao Huy chương Đồng tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam tại Hội chợ - Triển lãm Giảng Võ năm 1983.

Tưởng chừng mọi thử thách đã qua, thế nhưng, tháng 7/1983, ông lại bị khởi tố, tịch biên toàn bộ tài sản, nhà cửa, công cụ, nguyên liệu sản xuất. Ông và cả gia đình một lần nữa ra đường...

Phải tới Đại hội VI của Đảng, với tư duy đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế, sự nghiệp kinh doanh của ông mới dần được nhìn nhận. Cũng phải chờ đến năm 1990, ông và gia đình mới nhận lại được tài sản.

Ở TP.HCM, sau năm 1975, nhiều người biết đến ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh sân golf Long Thành, lúc đó là cán bộ nhận tiếp quản Bộ Giao thông công chánh cũ. Công việc bộn bề thời hậu chiến không khỏa lấp được những phát hiện của ông Kiểm về sự khác biệt về hiệu quả kinh tế giữa cơ chế giao thầu cho tư nhân và cách làm tập thể. Ông kể lại trong câu chuyện với Forber Việt Nam rằng, đây là điều thôi thúc khiến ông muốn làm kinh tế tư nhân.

Nhưng ông Kiểm không dám bỏ sự nghiệp với Nhà nước vì con đường chính trị của ông đang rộng mở. Cho tới cuối thập niên 1970, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông mới quyết định tìm cách tự cứu mình. 

Năm 1978 đánh dấu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên của ông Kiểm. Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất của mình, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại nhà riêng của ông…  Sau đó, vận thế thay đổi, ông thành lập công ty tư nhân may Huy Hoàng vào năm 1984-1985, 10 năm sau làm công trình nút giao thông Hàng Xanh theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) đầu tiên vào năm 1995…

Tuy nhiên, cũng như ông Chẩn, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư – kinh doanh chưa được hoàn thiện, cộng với cơn bão khủng hoảng tài chính 1997-1998, ông Kiểm có lúc đã đối mặt với án tù chung thân, thậm chí án tử hình do nợ nần. Cũng may, vụ việc của Công ty Huy Hoàng không bị hình sự hóa, để ông Kiểm và gia đình tạo lập được sự nghiệp và sản nghiệp như hiện tại…

Đòi hỏi đổi mới từ thực tế của cuộc sống và sự vận động theo quy luật đã tạo những cơn sóng ngầm trong nền kinh tế Việt Nam đêm trước đổi mới. Có những người thành công như ông Kiểm, nhưng không ít người đã chấp nhận trở thành những viên gạch lát đường như Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn. Để sau đó, khi công cuộc đổi mới được chính thức được thể chế hóa trong các đạo luật, những doanh nghiệp đầu tiên của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chính thức bước ra ánh sáng.

Chỉ trong 10 năm, kể từ sau khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, Việt Nam đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp tư nhân.

Chúa Đảo Đào Hồng Tuyển, Vua tôm Lê Văn Quang, hay ông Nguyễn Lâm Viên Vinamit, Trần Kim Thành Kinh Đô hay Vưu Khải Thành Biti's, bà chủ của thương hiệu Tân Á Đại Thành Nguyễn Thị Mai Phương… đều bắt đầu khởi nghiệp chính trong giai đoạn này.

Ở ngoài Bắc, đây cũng là thời điểm khởi nghiệp của doanh nhân Trương Gia Bình với FPT, Phạm Đình Đoàn với Tập đoàn Phú Thái, doanh nhân Vũ Văn Tiền với Geleximco,  Trần Đình Long với Hòa Phát, cha con Đinh Hồng Kỳ với Secoin...

Bừng nở vội vàng

Các doanh nhân này vẫn đang tiếp tục ghi thêm những dấu ấn trong các giai đoạn phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng chính họ là nhân chứng lịch sử của một giai đoạn bùng phát hứng khởi, nhiều lúc thái quá.

Sự rộng rãi của cơ hội kinh doanh khi Việt Nam dần mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới, sự non trẻ của cơ chế thị trường và khát vọng ồn ào của những người lần đầu được bước chân vào thế giới kinh doanh lấp lánh, hấp dẫn khiến khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển như nấm sau mưa.

Trong vòng 10 năm tiếp theo, từ năm 2000 – thời điểm Luật Doanh nghiệp 1999 mở rộng quyền kinh doanh cho người dân – tới năm 2010, khoảng 500.000 doanh nghiệp với hàng trăm ngàn doanh nhân xuất hiện.

Đây là thời điểm nhiều thương hiệu Việt thành danh, bứt phá trong nhiều lĩnh vực. FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Vincom, PNJ, DOJI, Minh Phú, Hùng Vương, Phú Thái, Saigon Coop., Đồng Tâm, Kinh Đô, Minh Long, Thiên Long, Eximbank, Techcombank… Nhiều doanh nhân Việt Nam đã tranh thủ được cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, tài sản và bắt đầu bước chân ra thế giới.

Nhưng đây cũng là giai đoạn ghi nhận trào lưu kinh doanh dàn trải, dễ dãi. Chỉ khoảng 5 năm, với sự phát triển của thị trường chứng khoán, sự trỗi dậy của thị trường bất động sản, sự dễ dàng trong tiếp cận vốn, nhiều đại gia xuất hiện hoành tráng với những dự án tỷ USD. Không ít doanh nhân thành danh với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, thực phẩm bánh kẹo… cũng hồ hởi lao vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Các dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỷ xuất hiện khắp cả nước. Có cảm giác như chỉ cần một vài năm, Việt Nam sẽ hoàn tất quá trình đô thị hóa của mình…

Nền kinh tế ảo đã góp tay tạo dựng một đội ngũ doanh nhân ảo, "tay không bắt giặc". Nền kinh tế thực bị tác động mạnh mẽ theo hướng tiêu cực. Bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát gia tăng tới hai con số. Lãi suất cho vay bốc hỏa, có lúc đến 22-23%. Thị trường bất động sản đóng băng. Các khu đô thị dở dang, ngập cỏ…

Năm 2008-2009, cả nền kinh tế chao đảo. Bong bóng chứng khoán và bất động sản đã thẳng tay sàng lọc những doanh nhân thiếu chuyên nghiệp, doanh nhân đầu cơ, gõ hồi chuông cảnh báo với những doanh nhân đang say men chiến thắng…

Những đế chế một thời làm mưa gió trên thị trường như Sông Đà Thăng Long, Tập đoàn Kinh Bắc, Tân Tạo, Thái Hòa, Mai Linh, Hanaka… vấp váp khi đầu tư quá mạnh, mở rộng quá nhanh, xa rời năng lực cốt lõi và cách làm ăn bài bản.

Chưa bao giờ tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động tăng nhanh đến vậy. Trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, từ 2011 đến nay, mỗi năm có khoảng 50.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, tương đương với bằng từng đó doanh nhân phải tạm dừng bước…

Trở lại cốt lõi

“Tôi không có dự định đầu tư vào ngân hàng nữa. Cũng không phải riêng tôi, tất cả các doanh nghiệp khác bây giờ đều nên hiểu rằng, phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi”.

Đây là lời của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc khi trao đổi với báo giới sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.

Vốn được biết đến là ông trùm trong lĩnh vực phát triển bất động sản công nghiệp, phát triển khu công nghiệp, trở thành một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán khi cổ phiếu KBC lên sàn, chỉ vài năm lấn sân vào ngân hàng, chứng khoán, ông Tâm chồng chất nợ nần cả nghìn tỷ đồng. Hình ảnh ông nghị Đặng Thành Tâm râu tóc bạc phơ thế chỗ cho một doanh nhân đầy quyền lực vài năm trước…

Hiện giờ, ông Tâm đang quay lại với thế mạnh đưa ông lên đỉnh cao. Vào đầu tháng 4/2014, cổ phiếu KBC của ông Tâm đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo nhờ báo cáo tài chính có lãi của năm 2013. Tình hình thu hút FDI trong năm qua tăng trưởng đáng kể, nhiều hợp đồng lớn với các tập đoàn nước ngoài ký kết đã khiến Công ty có điều kiện ghi nhận doanh thu.

Sự thừa nhận thất bại, rút lui khỏi tài chính, quay về với sở trường đang giúp ông Tâm và nhiều doanh nhân lỡ chân khác đang dần trở lại. Doanh nhân Đặng Thành Tâm của ngày hôm nay đã rất khác vài năm trước.

Nhưng cũng trong giai đoạn này, những doanh nhân bền bỉ và ầm thầm theo đuổi chiến lược kinh doanh đã định tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ. Có thể họ là những đại gia khủng, như Vingroup, FPT, Massan, Vietjet, TH True Milk… tận dụng cơ hội khủng hoảng để lớn mạnh hơn. Có thể nhiều doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp nhỏ và vừa tranh thủ sự vấp váp của các ông lớn để bước chân được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, ghi tên hàng hóa made in Viet Nam vào thị trường thế giới.

Đặc biệt, một lớp doanh nhân trẻ đang lớn mạnh, với bài học kinh nghiệm thất bại chưa xa lắm của những người đi trước và nền tảng vững vàng của khoa học công nghệ, của tri thức, sự nhân văn của nền kinh tế vì con người, vì sự phát triển bền vững của của xã hội, của dân tộc và nhân loại…

Tất cả họ đang làm nên hình ảnh của một nền kinh tế Việt Nam hội nhập với năng lực cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng…

Doanh nhân Việt Nam giờ đang hướng tới không gian rộng mở hơn, nhưng cũng đòi hỏi năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn của TPP, của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU… Những hiệp định thương mại thế hệ mới này sẽ tạo nên những động lực vô cùng lớn trong thay đổi thể chế, tư duy phát triển – những điều kiện cần để tạo dựng một cộng đồng doanh nhân thực sự bài bản, chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sẽ có tiếp những đợt sàng lọc, nhưng lần này là sự sàng lọc được xác định trước của chất lượng, của quy luật phát triển. Sẽ có sự lui chân và sự thế chân. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang trưởng thành vững vàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư