Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Có nên bán vốn nhà nước dưới mệnh giá?
Mạnh Bôn - 11/11/2013 07:59
 
Có nên bán vốn nhà nước dưới giá trị sổ sách kế toán?” là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đặt ra khi phỏng vấn ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về một số vấn đề liên quan tới tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trong 3 năm vừa qua, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được khoảng 80 doanh nghiệp (DN), trong khi đó, giai đoạn 2011-2015, theo lộ trình thì phải CPH hơn 500 DN. Với tiến độ này, có thể khẳng định, tiến trình CPH không thể hoàn thành. Ông có nghĩ như vậy?

Nếu quan điểm bán vốn nhà nước không được dưới giá trị sổ sách kế toán, giá trị cổ phần vốn nhà nước không được bán dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần) mà không thay đổi, thì ai cũng biết trước kết quả tiến trình CPH sẽ đến đâu.

Ông vừa nói đến “bán vốn theo giá danh nghĩa”. Hiểu phương án này thế nào?

Trên sàn chứng khoán, khoảng 50% mã cổ phiếu được giao dịch dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có không ít mã chỉ được giao dịch với giá 3.000 – 5.000 đồng/cổ phiếu, mà cứ duy trì quan điểm bảo toàn vốn nhà nước khi thoái vốn, thì làm sao thực hiện được, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán trầm lắng như hiện nay.

Vì vậy, không chỉ nghĩ đến phương án bán vốn nhà nước dưới giá trị sổ sách kế toán, mà cần tính đến việc bán vốn theo giá danh nghĩa. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta sẵn sàng bán DN, với giá 1 USD - giá tượng trưng.

Bán vốn với giá tượng trưng, vấn đề này rất mới, nên chắc phải mất nhiều thời gian nghiên cứu. Nhưng CPH đã có nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, như việc ông Trương Đình Tuyển khi làm Bí thư tỉnh Nghệ An, đã sẵn sàng bán vốn thấp hơn số tiền mà Nhà nước đã đầu tư. Kết quả là, DN hoạt động có lãi sau nhiều năm thua lỗ triền miên. Ông nhận xét gì về bài học kinh nghiệm này?

Chấp nhận lỗ khi bán DN, lấy tiền đầu tư vào những lĩnh vực khác hiệu quả hơn hay cứ để DN tồn tại “vất vưởng”? Nhà nước chấp nhận lỗ, tạo điều kiện cho DN tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước hay cứ tiếp tục khư khư quan điểm “bảo toàn vốn” cho đến khi chẳng còn vốn để bảo toàn vì DN hoạt động thua lỗ?

Có lẽ cũng chẳng cần phải bình luận nhiều về việc này, vì lợi ích của việc chấp nhận bán vốn nhà nước dưới giá trị sổ sách kế toán đã được thực tế chứng minh. Tất nhiên, không phải DN nào cũng bán vốn dưới giá trị sổ sách kế toán, mà tùy thuộc vào từng DN cụ thể và phải thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường, thị trường quyết định giá trị DN bao nhiêu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Đinh La Thăng cho rằng, mục tiêu CPH giai đoạn trước là cố gắng thu hồi tối đa giá trị vốn nhà nước, còn hiện nay, mục tiêu đặt ra là tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tiềm lực tài chính, khả năng cạnh tranh của DN. Ông nhận định thế nào về quan điểm này?

Đây là quan điểm rất đúng, hy vọng nhiều người ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tuy nhiên, thoái vốn, CPH không được nóng vội, không được sốt ruột mà phải thực hiện theo lộ trình vì đâu phải cứ bán vốn xong là xong.

Thế còn vấn đề gì vướng mắc nữa, thưa ông?

Đó là xử lý lao động dôi dư. Khi Nhà nước thoái vốn, DN tái cơ cấu lại hoạt động chắc chắn sẽ có rất nhiều lao động dôi dư. Xử lý lao động dôi dư cần rất nhiều tiền. Ở nhiều nước trên thế giới, khi tái cơ cấu DN, ngân sách phải bỏ ra ít nhất 10% GDP để xử lý lao động dôi dư.

Tổng thu ngân sách từ thuế và phí năm nay mới chỉ tương đương 18,4% GDP và năm 2014 giảm xuống chỉ còn 17,4% GDP mà bỏ ra số tiền tương đương 10% GDP để xử lý lao động dôi dư khi CPH thì chắc chẳng bao giờ có?

Hiện Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN Trung ương (do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) còn rất nhiều tiền, không đầu tư vào đâu được, buộc phải gửi ngân hàng, nên có thể sử dụng nguồn vốn từ Quỹ này cộng với tiền cổ tức vốn nhà nước đầu tư tại DN để xử lý lao động dôi dư. Phần còn thiếu, ngân sách nhà nước sẽ đảm nhận.

Ngân sách nhà nước không phải bỏ ngay một khoản tiền khổng lồ để xử lý lao động dôi dư, mà bỏ ra dần dần, nên sẽ cân đối được. Hơn nữa, suy cho cùng, ngân sách nhà nước cũng chẳng “thua thiệt” gì, vì sau khi CPH, DN tái cơ cấu, hoạt động sản xuất- kinh doanh có hiệu quả thì lại tăng đóng góp vào ngân sách.

Trói chân, trói tay khi nhận DNNN yếu
Nếu không làm rõ các điều kiện, tiêu chí của hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước, cả doanh nghiệp chuyển giao và doanh nghiệp nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư