Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lối thoát để DNNN thoái vốn ngoài ngành
Khánh An - 22/10/2013 12:46
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ban hành quy định riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước để thức đẩy tiến trình cổ phần hóa.  

Thanh khoản kém là lý do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã không bán hết trên 1,06 triệu cổ phiếu SZL của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành như đã đăng ký.

Đến hết thời gian đăng ký bán, từ ngày 16/9 đến 15/10/2013, VNPT mới bán được 373.500 cổ phiếu trong tổng số 1.065.600 cổ phiếu đăng ký.

Không chỉ những giao dịch trên sàn, tiến độ các kế hoạch thoái vốn của VNPT cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình thị trường.

Theo kế hoạch đã được công bố, VNPT sẽ thoái vốn khỏi 31 đơn vị vào năm 2013, gần một nửa trong 57 đơn vị mà Tập đoàn phải thoái vốn trong giai đoạn 2013-2015.

Tương tự, công việc mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phải thực hiện cũng không nhẹ nhàng hơn khi sẽ thoái toàn bộ phần vốn đã đầu tư vào 37 doanh nghiệp.

Hiện tại, Vinatex mới hoàn tất thoái vốn tại 5 doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu hoàn thành thêm 9 doanh nghiệp…

Trong tình thế này, áp lực phải bảo toàn vốn nhà nước trong doanh nghiệp tiếp tục đè nặng lên vai các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện từ - baodautu.vn, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận, đa phần sự chậm trễ trong tiến độ thoái các khoản vốn còn lại do khó thực hiện yêu cầu bảo toàn vốn theo quy định.

“Chúng tôi đang đề nghị ban hành quy định riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước”, ông Cung cho biết.

Cụ thể, đề xuất đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là sử dụng giá thị trường của vốn làm tiêu chí đo lường mức độ bảo toàn và phát triển vốn.

“Giá trị vốn chủ sở hữu được bảo toàn, khi lợi nhuận vốn chủ sở hữu ít nhất bằng bình quân lãi suất trái phiếu dài hạn của Chính phủ. Hoặc giá thị trường của cổ phần, phần góp vốn của công ty tăng lên ít nhất bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ”, ông Cung giải thích và cho biết thêm, cần quy định rõ về các loại vốn có thể thoái, phương thức thoái vốn tương ứng...

Đặc biệt, quy định này cần làm rõ thẩm quyền và quy trình ra quyết định thoái vốn, cơ chế định giá đối với các loại vốn cần thoái, đảm bảo cơ sở để các doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch thoái vốn.

“Chúng tôi cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, gồm cả đơn vị trực thuộc hay bộ phận doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp”, ông Cung nói.

Đây cũng là một giải pháp xử lý những vướng mắc đang làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Vietnam Airlines chốt lộ trình thoái vốn
Sau 6 tháng chính thức triển khai đề án tái cơ cấu, những điểm thuận và nghịch trong quá trình “làm mới” Tổng công ty Hàng không Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư