Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Có nên uống thuốc chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm vắc-xin Covid-19?
D.Ngân - 04/07/2021 10:02
 
Hiện nay, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, trước khi tiêm vắc-xin Covid-19 nên uống thuốc chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt để giảm triệu chứng phụ.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hiện có một số thông tin lan truyền trước khi tiêm vắc-xin 30 phút, người được tiêm có thể uống một viên trong số các loại thuốc gồm Xyzal, Zyrtec, Aerius, Bilaxten (thuốc chống dị ứng) và 1 viên có chứa paracetamol (thuốc hạ sốt, giảm đau). Sau tiêm khoảng 10 tiếng, người được tiêm uống nhắc lại như trên. 

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên uống loại thuốc chống dị ứng trước tiêm.

Về vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), các loại thuốc nói trên (Xyzal, Zyrtec, Aerius, Bilaxten) đều là thuốc chống dị ứng. Nếu uống các thuốc này sớm trước khi tiêm vắc-xin Covid-19, các triệu chứng dị ứng (đặc biệt là phản vệ) có thể bị lu mờ.

Các loại thuốc này còn có thể khiến các triệu chứng xuất hiện sau khoảng 30-60 phút theo dõi tại cơ sở y tế, thậm chí muộn hơn. 

Khi đó, người được tiêm sau khi về nhà mới có biểu hiện. Việc làm này rất nguy hiểm với sức khỏe, có thể không kịp cứu chữa nếu bị phản vệ nặng.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, các phản ứng thường gặp là sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban.

Để xử trí các trường hợp này, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên uống nhiều nước nhất có thể, bổ sung sinh tốt, vitamin và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức. 

Người được tiêm cũng có thể sử dụng thuốc hạ sốt để giảm các triệu chứng sau khi tiêm. Ngoài ra, người dân nên liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng có diễn biến tệ hơn sau 24 giờ, thậm chí không biến mất sau vài ngày.

Còn theo ThS.BS Vũ Minh Điền, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ có người có triệu chứng sau tiêm mới phải uống thuốc, người dân không nên tự ý uống thuốc dự phòng trước tiêm bởi không phải ai đi tiêm vắc-xin Covid-19 cũng có phản ứng sốt, dị ứng. 

Bác sĩ Điền cũng cho biết thêm, khi khám sàng lọc, thầy thuốc sẽ đánh giá tiền sử dị ứng của người được tiêm gồm đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vắc-xin và bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, sau tiêm vắc-xin AstraZenceca khoảng hơn 10% người bị đau đầu, sốt/ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ...; chưa đến 10% người bị sưng, đau vết tiêm; các phản ứng phản vệ, quá mẫn muộn hiếm khi xảy ra.

"Cùng đó, chưa có bất cứ nghiên cứu, đánh giá nào về vấn đề này trong khi người sử dụng có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có thể là "con dao hai lưỡi", bác sĩ Điền cảnh báo

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người tiêm cần tránh dùng steroid một tuần trước khi tiêm chủng. Các steroide như prednisone và dexamethasone thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác. 

Không nên dùng steroid một tuần trước, hiện tại và sau khi tiêm chủng, vì steroid ức chế mạnh quá trình viêm và có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm đáp ứng đối với vắc-xin Covid-19. Người dân cần thông báo về kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho bác sĩ điều trị bệnh của mình. 

Nếu đang sử dụng thuốc steroid, bác sĩ có thể kê toa những thuốc có tác dụng tương tự, nhưng không làm ức chế miễn dịch cơ thể.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin Covid-19, một số người có tâm lý lựa chọn và chờ đợi vắc xin mình mong muốn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên chủng ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương. Càng sớm tạo miễn dịch cộng đồng, càng bảo đảm an toàn khi bạn sống chung với dịch.

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vì bạn không được bảo vệ đầy đủ ngay sau khi tiêm vắc xin.

Sau tiêm vắc-xin, cần phải bù đủ nước cho cơ thể. Nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hằng ngày mà còn có thể kiểm soát hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu do vắc-xin Covid-19 gây ra.

Đặc biệt, không uống rượu bia trước và vào ngày tiêm chủng. Không chỉ có vậy,trong thời kỳ đại dịch, các chuyên gia khuyến cáo tránh uống rượu bia để tối ưu hóa sức khỏe. 

Cần chuẩn bị gì trước và làm gì sau tiêm vắc-xin Covid-19?
Theo khuyến cáo của chuyên gia, để hạn chế tối đa những tác hại không mong muốn sau tiêm vắc-xin Covid-19 người dân cần thực hiện theo đúng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư