Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cần chuẩn bị gì trước và làm gì sau tiêm vắc-xin Covid-19?
D.Ngân - 25/06/2021 08:38
 
Theo khuyến cáo của chuyên gia, để hạn chế tối đa những tác hại không mong muốn sau tiêm vắc-xin Covid-19 người dân cần thực hiện theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Trước khi đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19, người dân cần chuẩn bị chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc-xin khác... sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). 
 

Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS. Ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm, đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K trước, trong và sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Một số triệu chứng thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19 có thể gặp là sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng Covid-19.

Sau tiêm vắc-xin Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu thuộc nhóm dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế.

Nếu sốt cao trên 38 độ C, có thể uống hạ sốt. Tuy nhiên, nếu sốt không giảm sau khi uống thuốc hạ sốt (trên 39 độ C), người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Trường hợp vết tiêm bị sưng đỏ, đau, người dân không nên lo lắng. Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân. Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

Sau tiêm vắc-xin Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu thuộc nhóm dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin Covid-19 là hiếm gặp có thể xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm.

Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng nghiêm trọng như tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp; sốt cao > 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội; tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp...

Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tại Việt Nam, sau hơn 3 tháng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 trên cả nước, đến nay tiêm hơn 2 triệu liều vắc-xin, ghi nhận tỷ lệ khoảng 14-20% có phản ứng sau tiêm. 

Tỷ lệ này tương đương khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một số phản vệ nặng sau tiêm vắc-xin đã được xử trí kịp thời.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, trong trường hợp sốt sau tiêm, bù nước và điện giải là rất quan trọng, giúp cơ thể tránh được tình trạng háo nước, khát nước khi sốt.

Các chuyên gia y tế đều cho rằng, vắc-xin bản chất là một sinh phẩm, khi tiêm vào cơ thể thì có tỉ lệ nhất định phản ứng sau tiêm. Tùy theo cơ địa của từng người mà phản ứng khác nhau. Vắc-xin nào tiêm cũng có số ít xảy ra phản ứng không mong muốn. 

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, người tiêm cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà hoặc nơi làm việc, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm.

Khi vắc-xin về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm định chất lượng vắc-xin rất chặt chẽ. 

Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tập huấn cho tất cả cán bộ y tế trực tiếp tham gia cấp cứu xử lý các trường hợp sốc phản vệ ngay tại các điểm tiêm. Chúng ta phải khám sàng lọc kỹ những trường hợp có bệnh nền, có dị ứng và tạm thời chưa tiêm các đối tượng này.

Lực lượng y tế cũng luôn sẵn sàng trực tại các trung tâm y tế huyện trở lên, sẵn sàng thuốc, xe vận chuyển… để xử lý kịp thời khi không may có trường hợp xảy ra.

Ông Tuyên cũng cho hay, Bộ Y tế đã tập huấn chi tiết cho những cán bộ y tế, những người tình nguyện hướng dẫn những người được tiêm, sắp tiêm. Sau tiêm, người dân phải được theo dõi tại nơi tiêm 30 phút, sau đó tự theo dõi tại nhà từ 24-48 giờ tiếp theo.

Khoảng thời gian đó, nếu có các phản ứng như ngứa, nổi mề đay, tức ngực, thậm chí có biểu hiện của hôn mê, thì người nhà, hoặc bản thân người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Các địa phương hiện nay đều có số điện thoại trực cấp cứu. Hoặc ngay tại các điểm tiêm, chúng tôi sẽ dán các áp phích có địa chỉ, tuyến cấp cứu, số điện thoại để người dân không may có các phản ứng trên có thể liên lạc nhanh nhất.

Chế độ dinh dưỡng sau tiêm vắc-xin:

 Sau tiêm vắc-xin, người sau tiêm vắc-xin cần bổ sung đủ nước cho cơ thể. Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/ kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

Bên cạnh đó, cần uống nước đúng cách, uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối.

Không nên uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe. Sở dĩ như vậy là do uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.

Sau khi tiêm vắc-xin, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết, nhất là vào những ngày nắng nóng. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng tốt cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể các chất dinh dưỡng và cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng. Đồng thời để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chế độ ăn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng từ nguồn động vật và thực vật.

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ).

Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Theo khuyến nghị về rau xanh và hoa quả chín, thì lượng rau xanh từ 200-300g/người/ngày, quả chín từ 100-200g/người/ngày.

Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen.

Khi chế biến thực phẩm phải lựa chọn thực phẩm tươi sống, không ăn những thực phẩm gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn khi thực phẩm chưa chín như ăn tái, ăn giỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng sống.
Khi chế biến thực phẩm, cần vệ sinh giao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm. Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và tùy theo sở thích của từng người.

Vắc-xin Nano Covax vẫn cần thử nghiệm thêm?
Phần đông giới chuyên giacho hay, Nano Covax vẫn cần thử nghiệm thêm và đề xuất xin cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano Covax của Nanogen sẽ khó được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư