Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu công nghệ kéo chứng khoán Hàn Quốc tăng 1,9%
Lê Quân - 11/03/2021 15:03
 
Chứng khoán châu Á tăng điểm trên diện rộng trong phiên giao dịch sáng 11/3 sau khi Phố Wall đêm qua đóng cửa xanh đậm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,93% trong phiên giao dịch sáng 11/3 nhờ sức kéo của cổ phiếu công nghệ. Ảnh: AFP
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,93% trong phiên giao dịch sáng 11/3 nhờ sức kéo của cổ phiếu công nghệ. Ảnh: AFP

Chứng khoán Australia cắt lỗ những giờ đầu giao dịch với chỉ số ASX 200 đi ngang ở mức 6.703,90 điểm, tính đến trưa 11/3. Trong đó, chỉ số riêng biệt tài chính trượt 0,39% còn nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu đã chặn đà giảm sâu về mức giảm 0,3%.

Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,53% còn chỉ số Topix nhích nhẹ 0,24%. Chứng khoán Nhật Bản đã phải vật lộn để giữ đà tăng trong nhiều phiên gần đây.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,93% nhờ sức kéo của cổ phiếu công nghệ. Trong đó, cổ phiếu Samsung tăng 1,48%, còn cổ phiếu của SK Hynix và LG Electronics lần lượt vọt lên 3,01% và 4,21%. Một chỉ số quan trọng khác của chứng khoán Hàn Quốc - Kosdaq - cũng tăng thêm 1,35%.

Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng đạt mức tăng 1,59%. Sau phiên trước đầy chật vật, chứng khoán Trung Quốc đại lục sáng nay cũng tăng điểm trở lại, với chỉ số Shanghai Composite tăng 1,49%, còn mức tăng của Shenzhen Component khiêm tốn hơn với 1,32%. Kênh truyền hình CNBC đưa tin, trước đó giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức tương đối thấp, đồng thời báo hiệu sự chuyển hướng khỏi các biện pháp cầm cự nền kinh tế.

Việc Hạ viện Mỹ đêm qua thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã gia cố niềm tin của nhà đầu tư về sức hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, đồng thời kích thích khẩu vị của các nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua vọt tăng hơn 400 điểm trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm. Nhà Trắng đã phát đi thông báo Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký ban hành luật về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vào ngày mai 12/3.

Các nhà đầu tư sẽ chuyển trọng tâm sang thị trường châu Âu nơi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp trong hôm nay 11/3. Các quan chức ECB nhiều tuần gần qua nhận định việc lợi suất trái phiếu (trái phiếu kho bạc Mỹ - BTV) tăng lên gần đây là "sự thắt chặt không có cơ sở" và cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sắp tới.

"Để đối phó với lợi suất trái phiếu tăng, chúng tôi kỳ vọng cơ quan này (ECB) sẽ phát đi tín hiệu sẵn sàng đẩy mạnh các biện pháp can thiệp trái phiếu hàng tuần và sử dụng toàn bộ Chương trình mua vào khẩn cấp thời đại dịch (trị giá 1.850 tỷ EUR) và hơn thế nếu cần", các chuyên gia tại ANZ Research khuyến nghị.

Các chuyên gia ANZ cũng dự đoán: "ECB cũng sẽ giảm bớt sức nóng lạm phát khu vực đồng euro và tập trung vào triển vọng trung hạn".

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh suy yếu, với chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt về 91,817, so với mức trên 92,00 thiết lập trong tuần. Đồng yên Nhật trao tay 108,51 JPY đổi 1 USD, còn đô la Australia nhích giá nhẹ lên mức 1 AUD "ăn" 0,7741 USD.

Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á sáng nay nhích giá. Giá dầu thô Mỹ tăng 0,76% lên 64,93 USD/thùng còn giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 0,71% lên 68,38 USD/thùng. Giá dầu đi lên bất luận lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng đáng kể sau cơn bão mùa đông ở bang Texas vào tháng trước.

Một số nhà phân tích cho rằng mức tăng qua đêm của giá dầu là do tác động của tồn kho xăng dầu Mỹ giảm mạnh trong tuần trước. Ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Commonwealth (Australia) đánh giá: "Sự sụt giảm trong kho dự trữ xăng dầu của Mỹ trong hai tuần qua là mức giảm kỷ lục trong hai tuần từ trước tới nay". Chuyên gia này lý giải, sự sụt giảm xảy ra do "hoạt động lọc dầu của Mỹ vẫn chưa trở lại bình thường sau đợt băng tuyết lịch sử do bão mùa đông ở Texas vào tháng trước.

"Nguồn cung dầu mỏ Mỹ tăng lên là một rủi ro tiêu cực lớn đối với giá dầu. Nhưng nguồn cung dầu mỏ Mỹ tăng lên khó có thể tác động tới nguồn cung mà liên minh OPEC+ đã đồng thuận và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi khi rủi ro Covid-19 lắng xuống", ông Dhar lưu ý.

Chứng khoán Âu - Mỹ thăng hoa, thị trường Trung Quốc đại lục vẫn chìm lắng
Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận những diễn biến trái ngược trong ngày giao dịch 9/3 sau khi khởi động tuần giao dịch mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư