Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu Masan “gánh” thị trường, VN-Index kịp đóng cửa trong sắc xanh
Tùng Linh - 19/05/2022 17:50
 
MSN đã tăng trần ba phiên liên tiếp và tiếp tục là trụ đỡ chính giúp VN-Index đảo chiều tăng nhẹ.

Đỏ lòng

Cú rơi sâu của thị trường chứng khoán Mỹ với mức giảm 3,57% của chỉ số DowJones đêm qua khiến các sàn chứng khoán châu Á đồng loạt giao dịch tiêu cực đầu giờ sáng nay. Nhiều sàn chứng khoán lớn kết phiên giảm 1-2% như Hong Kong (-2,54%), Nikkei 225 (-1,89%), Đài Loan (-1,7%)…

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 19/5 cũng đứng trước nhiều áp lực. Ngoài sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Mỹ, thông tin kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Đảng ủy cơ quan UBCKNN nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các đơn vị có liên quan kiểm điểm và triển khai các biện pháp khắc phục những vi phạm và khuyết điểm cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, VN-Index lại nằm trong số ít các chỉ số hồi phục, kịp đóng cửa trong sắc xanh dù chỉ tăng 0,07%. Chỉ số sàn HoSE đã giảm 28 điểm ngay phiên xác định giá mở cửa (ATO) nhưng đây cũng là mức điểm thấp nhất trong phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,88 điểm (0,07%) lên 1.241,64 điểm. HNX-Index giảm 1,82 điểm (-0,59%) xuống 308,02 điểm. UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,16%) xuống 94,58 điểm.

Toàn sàn có 504 mã giảm, 15 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 273 mã tăng, 21 mã tăng trần và 813 mã đứng giá tham chiều.

Ngay trên sàn HoSE, dù chỉ số tăng nhẹ, số mã tăng cũng chỉ bằng phân nửa số mã giảm. Trụ đỡ chính cho VN-Index phiên hôm nay là cổ phiếu Masan (MSN). Chỉ riêng cổ phiếu này đã đóng góp gần 2,75 điểm tăng cho chỉ số chung. Đây cũng đã là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của MSN sau 3 phiên giảm kịch sàn tuần trước.

Nhóm cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index còn có VCB, DGC, OCB, GAS. Ở chiều ngược lại, VNM, CTG, VPB, TPB và GVR là các cổ phiếu kéo lùi thị trường với mức giảm 1-3%. 

Trên sàn HNX, THD tiếp tục là cổ phiếu kéo lùi chỉ số chung. Giá cổ phiếu THD hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 60.200 đồng/cổ phiếu, giảm 78% từ mức đỉnh thiết lập hôm 31/12/2021. Thaiholdings đã buộc phải hoàn trả số tiền 840 tỷ đồng đã giao dịch từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh từ thương vụ bán cổ phần của Công ty cổ phần Bình Minh Group - chủ sở hữu Dự án 11A Cát Linh. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2021 niêm yết này do đó giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng.  Trong khi đó, sự hồi phục của các ông lớn vốn hoá như PVS, NVB, SHS, DNP hay IDC không đủ để kéo lại sắc xanh cho chỉ số sàn HNX.

Dòng tiền dè dặt, khối ngoại giải ngân mạnh vào MSN, cổ phiếu dầu khí, phân bón

Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp và lại giảm so với phiên liên trước. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt hơn 15.389 tỷ đồng, giảm hơn nghìn tỷ đồng so với phiên hôm qua. 

Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu phân bón và dầu khí nhờ trợ lực từ diễn biến giá dầu thế giới. Dầu Brent hiện neo ở mức gần 108 USD/thùng điều chỉnh khi vọt lên 110 USD/thùng. Bên cạnh cổ phiếu MSN được mua ròng nhiều nhất (67 tỷ đồng), dòng cổ phiếu phân bón và dầu khí cũng là các cổ phiếu được khối ngoại tập trung giải ngân mạnh nhất như BSR (55 tỷ đồng), DCM (47 tỷ đồng), DPM (35 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khối ngoại cũng bán ròng mạnh HPG (135 tỷ đồng), SSI (81 tỷ đồng), hay VIC (47 tỷ đồng). Tính chung trên ba sàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng hơn 96 tỷ đồng trong phiên hôm qua.

Chứng khoán Việt bước vào thị trường “con gấu”?
Cú rơi sâu hơn 56 điểm (giảm 4,53%) đã đưa VN-Index về còn 1.183 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và cũng xuống thấp hơn mức đỉnh giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư