Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng còn lý do để tăng giá?
Vân Linh - 10/01/2021 15:28
 
Bất chấp bối cảnh thị trường chứng khoán bị tác động bởi đại dịch Covid-19, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng trong thời gian gần đây, trở thành động lực kéo VN-Index tăng.
Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 50-90% so với đầu năm 2020
Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 50-90% so với đầu năm 2020

Phi mã

Phiên giao dịch ngày 6/1 chứng kiến cổ phiếu CTG của VietinBank tăng giá kịch trần 6,92%, lên gần 38.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản ở mức cao. Ngay cả với ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, thị giá cổ phiếu KLB trên sàn UpCom cũng tăng mạnh từ hơn 10.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2020 lên quanh 19.000 đồng.

Thực tế cho thấy, cả năm 2020 và đầu năm 2021, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng 50-90% so với đầu năm 2020. Trong đó, SHB là quán quân với mức tăng giá hơn 210%, kết năm ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu. Giá VIB tăng 89%, ở mức 32.400 đồng/cổ phiếu; giá LPB (LiênVietPostBank) tăng 62%; giá TCB (Techcombank) tăng 26%...

Rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng không phải không có rủi ro, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng dần. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng đang lên, nhưng sang năm 2021, các ngân hàng sẽ cực kỳ khó khăn, vì điểm rơi của các đợt giãn nợ Covid-19 sắp đến, room tín dụng bị bó buộc, huy động vào rồi không cho vay được.

Nhóm tăng giá ít nhất là các cổ phiếu ngân hàng quốc doanh như VCB (Vietcombank) tăng 9%, hay BID (BIDV) tăng 5%..., nhưng giá cổ phiếu VCB đã gần chạm 100.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy cuối tháng 3/2020, thị giá cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều tăng trên 50%, riêng VIB tăng 150%, LPB tăng 109%, HDB (HDBank) tăng 101%...

Đáng chú ý là, làn sóng chuyển sàn, niêm yết và lên UPCoM của các ngân hàng trong thời gian gần đây đã tác động lên cổ phiếu “vua”. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) liên tục đón các cổ phiếu ngân hàng chuyển từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc UPCoM như ACB, LPB, VIB, các cổ phiếu niêm yết mới như MSB và sắp tới là SeABank, OCB.

Theo nhận định từ chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Văn Thuận, việc niêm yết trên HoSE giúp cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin. Việc này giúp ngân hàng tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn, thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn.

Còn tăng?

Một trong những yếu tố giúp cổ phiếu ngân hàng hồi phục và liên tục tăng giá là kết quả kinh doanh năm 2020 và triển vọng năm 2021 của ngành tài chính-ngân hàng. Theo chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, lợi nhuận của các nhà băng năm 2020 khả quan hơn kỳ vọng đầu năm.

Báo cáo chiến lược năm 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vào năm sau. VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục cao và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán VPBank (VPS) cho rằng, có nhiều lý do để giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Thứ nhất, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành cơ bản của nền kinh tế, khi nền kinh tế hồi phục thì nhóm cổ phiếu này luôn được nhà đầu tư tin tưởng hơn. Hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo tăng trưởng tốt sẽ tạo hiệu ứng tích cực để các nhà đầu tư ưu tiên mua vào nhóm cổ phiếu này.

Thứ hai, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội phải mở rộng kinh doanh và cần sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng. Do vậy, hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ các hiệp định này.

Chưa kể, Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội cho các ngân hàng châu Âu cũng như các ngân hàng nước ngoài trong việc nâng tỷ trọng sở hữu cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam. Thực tế, sau một vài thương vụ đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần ở ngân hàng Việt Nam khá thành công, một số tổ chức tài chính nước ngoài khác cũng muốn nắm giữ thêm cổ phần của ngân hàng Việt Nam, dẫn đến dòng tiền đổ vào nhóm ngành này tăng, đẩy giá cổ phiếu tăng theo.

Đồng thời, một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, VPB, SHB… được lọt vào bộ chỉ số của HoSE như VN30, VN DIAMOND, VN FINSELECT, VN FINLEAD. Theo đó, các ngân hàng có lợi thế rất lớn, bởi các nhà đầu tư, nhất là các quỹ ngoại sẽ dựa vào chỉ số này để quyết định đầu tư cổ phiếu.

Tranh thủ bán cổ phiếu ngân hàng trước làn sóng niêm yết, chuyển sàn
Làn sóng chuyển sàn, niêm yết tác động lên giá của cổ phiếu ngân hàng, nên các lãnh đạo nhà băng, quỹ ngoại và các tổ chức tranh thủ bán cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư