Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục làm trụ đỡ, VN-Index giữ vững sắc xanh
Tùng Linh - 05/01/2024 18:11
 
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực và giúp giữ vững sắc xanh của VN-Index, tuy nhiên, thanh khoản thị trường có sự sụt giảm mạnh so với phiên trước đó.
VN-Index giữ vững sắc xanh nhờ cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Sau phiên vượt mốc 1.150 điểm với thanh khoản tỷ USD, sự thận trọng diễn ra ngay từ đầu phiên ngày 5/1 khiến biên độ biến động của thị trường chung là khá hẹp. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu ngân hàng nên thị trường vẫn duy trì được đà tăng điểm.

Lực cầu yếu trong khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và khi nhận thấy thị trường không thể bứt mạnh lên, điều này kích hoạt áp lực bán và các chỉ số rung lắc ngay sau đó. VN-Index có một vài lần “nhúng” đỏ nhưng ngay sau đó cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột.

Sang đến phiên chiều, diễn biến cũng không có quá nhiều sự thay đổi, chỉ số chính VN-Index tiếp tục có những đợt tăng, giảm điểm đan xen. Vào cuối phiên, dòng tiền tiếp tục tập trung tốt vào một số cổ phiếu đặc biệt là nhóm ngân hàng giúp giữ được sắc xanh của các chỉ số.

Tại nhóm ngân hàng, STB phiên hôm nay tăng 2,4%. Bên cạnh đó, MBB tiếp tục tăng 2%, BID tăng 1,9%... Đây là nhóm chính giúp giữ nhịp thị trường dù thanh khoản có phần suy giảm đáng kể so với phiên trước.

Bên cạnh các mã ngân hàng, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm VN30 cũng có biến động tích cực, trong đó, GVR tiếp tục tăng 1,9%, SSI tăng 1,6%, MWG tăng 1,5%... Đóng góp lớn nhất cho VN-Index phiên hôm nay là BID với 1,2 điểm. CTG, MBB và VCB là các mã tiếp theo đóng góp lần lượt 0,53 điểm, 0,51 điểm và 0,41 điểm.

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Chiều ngược lại, trong khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực thì bằng một cách nào đó, VPB chốt phiên giảm 0,8% và là mã đóng góp lớn thứ 2 trong việc gây áp lực tới VN-Index khi lấy đi 0,29 điểm. Trong khi đó, VHM giảm 0,8% và tác động mạnh nhất theo chiều tiêu cực tới VN-Index. Cổ phiếu này lấy đi của chỉ số 0,38 điểm.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản hay đầu tư công cũng ghi nhận những giao dịch tích cực, đáng kể nhất là DIG khi tăng 2,5% với khối lượng khớp lệnh ở mức cao, đạt 27,6 triệu đơn vị. KSB tiếp tục tăng 2%, DXG tăng 1%, HHV tăng 0,9%...

Ngoài ra còn phải kể đến đà tăng tốt của nhóm thủy sản. VHC bật tăng mạnh 4,1%. ANV và IDI cũng đều có mức tăng giá trên 2%.

Đáng chú ý, sau thông tin tỉnh Hậu Giang cưỡng chế 1.159 tỷ đồng và bị Cần Thơ cưỡng chế hơn 92 tỷ đồng, cổ phiếu PSH đã đóng cửa tại mức giá sàn 9.680 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,5 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,96 điểm (0,34%) lên 1.154,68 điểm. Toàn sàn có 221 mã tăng, 267 mã giảm và 95 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,09%) lên 232,76 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 79 mã giảm và 90 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,2%) lên 87,93 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 803,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 16.300 tỷ đồng, giảm 36% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 905 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch sàn HNX đạt 61 triệu cổ phiếu, trị giá 1.141 tỷ đồng.

SHB là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với gần 39,9 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, HAG và STB khớp lệnh lần lượt 34,2 triệu cổ phiếu và 31,3 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ tư liên tiếp.

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị khoảng 422 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất CCQ ETF nội FUEVFVND với 226 tỷ đồng. VHM đứng sau với giá trị bán ròng là 101 tỷ đồng. MSN và VRE bị bán ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, VCB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. OCB và ASM đều được mua ròng trên 40 tỷ đồng.

Tài khoản chứng khoán mở mới tăng trở lại
Thị trường chứng khoán đón hơn 39.600 tài khoản mở mới trong tháng cuối năm 2023 sau hai tháng liên tiếp ghi nhận lượng tài khoản giảm mạnh bởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư