Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Cổ phiếu Vietcombank phá kỷ lục, VN-Index lên mức cao nhất 17 tháng
T.Thuý - 28/02/2024 15:54
 
Sức nóng của cổ phiếu VCB sau thông tin chia cổ tức đã nhanh chóng giúp mã này khoe sắc tím và lan rộng cả dòng bank, giúp VN-Index thẳng tiến vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm để xác lập mức giá cao nhất trong khoảng 17 tháng.
TIN LIÊN QUAN

Áp lực chốt lời có chút gia tăng sau khi thị trường trải qua 2 phiên hồi phục tích cực đã khiến VN-Index rung lắc, thậm chí điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng 28/2. Tuy vậy, dòng tiền hoạt động tích cực và luân chuyển qua các nhóm ngành, với tâm điểm hướng vào các cổ phiếu dầu khí, đã giúp thị trường vẫn trong xu hướng an toàn và tạm khép lại phiên sáng nay tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, những khó khăn ở vùng giá 1.240 điểm dễ dàng được gỡ bỏ khi lực cầu đã dần sôi động hơn đối với nhóm cổ phiếu vua, đặc biệt là ảnh cả VCB sau thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 40%, đã nhanh chóng đảo chiều khởi sắc.

Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí dần hạ nhiệt thì sức nóng thị trường lại dồn toàn lực cho mã vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB. Đà tăng không ngừng được nới rộng hơn nhờ sức hấp thụ dòng tiền mạnh của cổ phiếu VCB, đã giúp VN-Index sớm thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm chỉ sau khoảng 30 phút mở cửa.

Dù có chút rung lắc nhẹ ở vùng đỉnh ngắn hạn mới được thiết lập, nhưng trụ đỡ vững chắc VCB đã giúp VN-Index vẫn nhích từng bước trong thời gian cuối phiên và leo lên mức giá cao nhất ngày khi ghi nhận mức tăng hơn 17 điểm. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong khoảng 17 tháng qua, từ đầu tháng 9/2022 đến nay của thị trường.

Trong đó, cổ phiếu VCB đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 97.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 4,22 triệu đơn vị và dư mua trần 41.500 đơn vị. Đây là mức giá và mức thanh khoản cao kỷ lục nhất của VCB từ trước đến nay (tính theo mức giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau những đợt chia tách do phát hành thêm cổ phiếu và chia cổ tức).

Vietcombank (VCB) dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 38,79%.

Như vậy, chỉ riêng VCB đã đóng góp tới gần 9,2 điểm cho chỉ số chung. Sức nóng của anh cả cũng đã lan sang các mã khác trong ngành, trong đó BID và VPB đã đóng góp 1,27 và hơn 1 điểm cho chỉ số chung, lần lượt đóng cửa tăng 1,7% và 2,8%. Ngoài ra, TPB cũng ấn tượng với mức tăng 4,4%, đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 20.000 đồng/CP; HDB tăng 2,2%, STB tăng 2,1%, ACB tăng 1,4%... Điều này đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường, với mức tăng hơn 2,6%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí có chút hạ nhiệt dù vẫn thuộc top tăng tốt của thị trường. Điểm sáng ngành vẫn là PVD đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 30.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh bùng nổ, đạt 22,28 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản nhích nhẹ nhờ sự khởi sắc của các mã Vingroup, trong đó VIC tăng 1%, đáng kể là VRE tăng 5,3% lên mức 27.800 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu với hơn 20,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu thép cũng đảo chiều hồi phục nhưng mức tăng hạn chế với bộ 3 gồm HPG, HSG và NKG tăng chưa tới 1%. Trong đó, HPG tăng có phần tốt hơn, đạt 0,8% với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất thị trường là hơn 35,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán duy trì trạng thái phân hóa, trong đó cặp đôi VIX và SSI giao dịch mạnh nhất với 26-28 triệu đơn vị, đều đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi VND giảm 0,9% và khớp 21,5 triệu đơn vị.

Chốt phiên, sàn HOSE có 309 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index tăng 17,09 điểm (+1,38%), lên 1.254,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 970,76 triệu đơn vị, giá trị 22.689,1 tỷ đồng, đều giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,2 triệu đơn vị, giá trị 1.538 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục rung lắc nhẹ đầu phiên rồi nhanh chóng lùi về dưới mốc tham chiếu khi thiếu vắng sự hỗ trợ của các mã lớn.

Chốt phiên, sàn HNX có 95 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 235,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 90,54 triệu đơn vị, giá trị gần 1.806 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,25 triệu đơn vị, giá trị 112,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX không mấy khả quan. Bên cạnh BVS, MBS và PSI đứng giá tham chiếu, các mã khác như VIG, HBS, SHS đều mất điểm. Trong đó, SHS lùi sâu hơn phiên sáng, đóng cửa giảm 1,7% xuống 17.600 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 15,21 triệu đơn vị.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí cùng xu hướng chung của ngành, trong đó PVS chỉ còn tăng 1,9%, đóng cửa đứng tại mức giá 37.200 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS với 12,57 triệu đơn vị; còn PVC tăng 3,4% lên mức 15.100 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý trong phiên hôm qua là TNG đã nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên 28/2. Đóng cửa, TNG đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống mức 21.400 đồng/CP và khớp 1,81 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã may mắn thoát hiểm cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,16%) lên 90,54 điểm với 134 mã tăng và 94mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,1 triệu đơn vị, giá trị 689 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,63 triệu đơn vị, giá trị 54,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch vượt trội với 13,63 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa tăng 3,6% lên mức 20.200 đồng/CP. Trong khi cổ phiếu khác nhóm dầu khí là OIL chỉ tăng 1%, đóng cửa đứng tại mức giá 10.100 đồng/CP và khớp 1,86 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý trên thị trường như DDV đóng cửa tăng 3,5% lên 11.700 đồng/CP, VGI tăng 2,2% lên mức 32.500 đồng/CP, BCR tăng 1,7% lên 6.000 đồng/CP, với khối lượng giao dịch trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh, với mức tăng từ 22 đến 28 điểm. Trong đó, VN30F2403 tăng 25,2 điểm, tương đương +2% lên 1.266,2 điểm, khớp lệnh hơn 224.080 đơn vị, khối lượng mở 46.735 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CSTB2322 khớp lệnh bùng nổ với hơn 7,42 triệu đơn vị và tăng 7,1% lên 750 đồng/cq. Theo sau là CVPB2309 khớp 3,13 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,8% lên 220 đồng/cq; CVPB2314 và CSTB2330 đều khớp gần 3,1 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa tăng 20,7% lên 350 đồng/cq và tăng 7,3% lên 440 đồng/cq.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư