Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Cơ quan Năng lượng Quốc tế: Nguồn cung dầu mỏ bị siết mạnh trong quý IV/2023
Đông Phong - 14/09/2023 11:01
 
Việc Saudi Arabia và Nga kéo dài cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến cuối năm 2023 đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ bị thâm hụt đáng kể trong quý IV/2023, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Công nhân kiểm tra hệ thống ống dẫn tại giàn khoan dầu Total ở khu cảng Harcourt, Nigeria. Ảnh: AFP
Công nhân kiểm tra hệ thống ống dẫn tại giàn khoan dầu Total ở khu cảng Harcourt, Nigeria. Ảnh: AFP

Tồn kho dầu mỏ sẽ xuống thấp

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là liên minh OPEC+, bắt đầu hạn chế nguồn cung vào năm 2022 để củng cố thị trường dầu mỏ rớt giá vì đại dịch Covid-19.

Tháng 9/2023, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn lần đầu tiên trong năm vượt mức 90 USD/thùng sau khi hai thành viên chủ chốt trong liên minh OPEC+ là Saudi Arabia và Nga gia hạn mức cắt giảm tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá, việc hạn chế sản lượng hơn 2,5 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ kể từ đầu năm 2023 cho đến nay đã được bù đắp bởi nguồn cung tăng lên từ các nhà sản xuất bên ngoài liên minh này, bao gồm Mỹ, Brazil và Iran.

"Nhưng từ tháng 9 trở đi, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+... sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt đáng kể trong quý IV", Cơ quan Năng lượng Quốc tế nêu trong báo cáo dầu mỏ hàng tháng.

Tuy nhiên, việc không cắt giảm sản lượng vào đầu năm tới sẽ chuyển cán cân sang "thặng dư", Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá, đồng thời nhấn mạnh rằng tồn kho dầu mỏ sẽ ở mức thấp, làm tăng nguy cơ biến động trong bối cảnh phục hồi kinh tế mong manh.

Loạn dự báo thị trường

Kinh tế thế giới ghi nhận thêm những lo ngại, trước hết là sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch của Trung Quốc và lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - cho đến nay "vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể bởi suy thoái kinh tế", Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.

Cơ quan này lưu ý: "Bất kỳ sự suy yếu đột ngột nào trong hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đều có khả năng lan rộng ra toàn cầu, tạo ra bầu không khí thách thức hơn đối với các thị trường mới nổi ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh".

Các ước tính về cung và cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới có sự khác biệt rõ rệt, tùy thuộc vào đơn vị dự báo.

Trong báo cáo hàng tháng mới công bố, cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế và OPEC đều lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc trong cả năm 2023 và ước tính nhu cầu toàn cầu của họ trong năm nay và năm tới hầu như không thay đổi.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày, trong khi OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng trưởng 2,44 triệu thùng/ngày.

Đối với năm 2024, các dự báo nhu cầu cho thấy mức chênh lệch lớn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm mạnh xuống còn 1 triệu thùng/ngày, trong khi OPEC có ước tính lạc quan hơn nhiều với mức 2,25 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ đã dự báo tăng trưởng nhu cầu ở mức 1,81 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1,36 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Như vậy, thị trường "ghi nhận những dự báo thế giới đầy hỗn loạn", Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM nhận định.

Dầu thô tăng giá do nguồn cung thắt chặt hơn
Giá dầu thô tăng cao trong ngày giao dịch 21/8 do nguồn cung thắt chặt hơn sau khi Saudia Arabia và Nga giảm xuất khẩu và giá dầu đốt tăng vọt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư