Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Có thể nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ
Minh Nhung - 27/07/2013 09:45
 
Sau khi giảm và tăng không đáng kể trong 4 tháng liền, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã có xu hướng cao lên (tăng 0,27%). Thời gian tới, có thể chuyển từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tăng trưởng kinh tế cao hơn và chính sách tiền tệ, tài khóa phải được tính đến. >>> CPI tăng nhẹ do… thời tiết nắng nóng >>> GDP 6 tháng ước đạt 4,9%

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, CPI có tăng cao hơn con số tương ứng của 7 tháng đầu năm 2012, nhưng vẫn thuộc loại thấp so với con số tương ứng của cùng kỳ trong 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với con số bình quân của 9 năm trước đó (tăng 7,63%).

Nếu tính theo năm (theo thông lệ quốc tế) hoặc tính bình quân 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (theo Tổng cục Thống kê), thì CPI cũng ở mức trên dưới 7%. Đây là tín hiệu khả quan để CPI cả năm có thể được kiềm chế ở mức như năm trước.

Việc tăng thấp của giá tiêu dùng nói chung, giá lương thực - thực phẩm nói riêng (sau 7 tháng, giá lương thực giảm 2,52%, giá thực phẩm tăng 2,43%) đã làm người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, đỡ bị ảnh hưởng, bởi đây là những mặt hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng cao trong chi tiêu dùng.

CPI trong 7 tháng đầu năm tăng thấp vừa là kết quả của nhiều giải pháp tích cực trong thời gian qua, vừa tạo tiền đề, dư địa cho việc thực hiện các mục tiêu khác, giải pháp trong thời gian tới.

Về mục tiêu, có thể chuyển từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tăng trưởng kinh tế cao hơn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược…

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, có thể thực hiện giải pháp chuyển từ chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ thắt chặt sang nới lỏng hơn. Có thể vừa đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cắt giảm, giãn, hoãn các khoản thu nộp ngân sách; vừa đẩy mạnh tiến độ giải ngân, thi công các công trình đầu tư công, sớm thực hiện việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội…

Có thể giảm mạnh hơn lãi suất cho vay, tăng tốc độ dư nợ tín dụng, cho vay ưu đãi để thu mua tạm trữ lương thực… Tranh thủ nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu khi giá quốc tế còn đang thấp. Khẩn trương giải quyết các điểm nghẽn lớn đã kéo dài, như nợ xấu, hàng tồn. Ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chủ động trích lập dự phòng nợ xấu. Doanh nghiệp, kể cả các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp bất động sản, cần hạ giá bán hơn nữa để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho. Người dân đẩy mạnh tiêu thụ để giúp cho nền kinh tế vượt qua thách thức trì trệ suy giảm hiện nay.

CPI 7 tháng tăng thấp là một thành công, nhưng cũng có một số điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, người sản xuất lương thực, thực phẩm đã bị thiệt kép: vừa thiệt do bán sản phẩm ra với giá giảm, vừa phải chi phí đầu vào và mua hàng công nghiệp, dịch vụ với giá cao và tăng. Vì vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần được hỗ trợ mạnh hơn và trực tiếp hơn.

Thứ hai, việc thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tạo ra hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế, đối với doanh nghiệp và lao động, việc làm.

Thứ ba, khi lạm phát thấp dễ làm cho các nhà quản lý điều hành chủ quan, lơ là với kiềm chế lạm phát. Vì vậy, cần lưu ý đến liều lượng nới lỏng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, cẩn trọng về liều lượng và thời điểm thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư