Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Coffee House toan tính gì khi mua Cầu Đất Farm?
Hồng Phúc - 08/04/2018 12:53
 
Công ty Trà cà phê Việt Nam, chủ sở hữu chuỗi bán lẻ The Coffee House thông báo đã hoàn tất mua lại mảng cà phê của Cầu Đất Farm. Ngay sau đó, họ chia sẻ dự định mở cửa hàng The Coffee House tại Trung Quốc.

Tăng quy mô tại thị trường nội hay xuất khẩu?

Các thông tin chia sẻ về việc xuất khẩu cà phê của Công ty Trà cà phê Việt Nam có nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất, sau Việt Nam, Trung Quốc là thị trường kế tiếp để Trà cà phê Việt Nam xem xét kinh doanh chuỗi bán lẻ mô hình The Coffee House Signature với chi phí đầu tư dự tính từ 1-2 triệu USD. Nguyễn Hải Ninh, sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Công ty khẳng định rằng, điều này “vẫn nằm trong kế hoạch” và cũng chưa có hoạt động cụ thể nào hiện thực hóa ý định. Đây là cách đưa cà phê Việt tiếp cận đối tượng khách hàng đa dạng hơn và cũng thể hiện, họ luôn nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội, đặc biệt tại quốc gia có dân số đông nhất thế giới này.

The Coffee House đã đạt 80 cửa hàng chỉ trong 3 năm
The Coffee House đã đạt 80 cửa hàng chỉ trong 3 năm

Thứ hai, Hải Ninh quả quyết, hiện tại, chưa có kế hoạch xuất khẩu cà phê, không loại trừ trong tương lai điều này sẽ xảy ra. Nhưng cũng chính đại diện này cho biết, mỗi quý, họ đã xuất khẩu vài tấn cà phê mang thương hiệu Cầu Đất sang Mỹ. Trong thông cáo gửi đến báo chí, Hải Ninh lại nói: “Năm 2018 sẽ là năm chúng tôi đi đến cùng với tình yêu cà phê, The Coffee House sẽ đem hạt cà phê Việt ra thế giới”.

Như vậy, người tiêu dùng nên hiểu như thế nào về định hướng này. Đem hạt cà phê Việt ra thế giới theo chia sẻ của Hải Ninh là thông qua hoạt động xuất khẩu hay bằng hình thức mở cửa hàng The Coffee House tại Trung Quốc, hay họ vẫn xuất khẩu nhưng sản lượng chỉ vài tấn để thăm dò thị trường và làm thương hiệu?

Hải Ninh và đội ngũ The Coffee House vẫn theo đuổi đam mê “ghi tên Việt Nam vào bản đồ cà phê chất lượng cao của thế giới” như những ngày đầu tham gia thương trường. Và có lẽ hai thông tin cốt yếu trên mà công ty này vừa chia sẻ trước báo giới không loại trừ khả năng chỉ để thị trường thêm sôi động.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa chú trọng xuất khẩu, còn nếu có mở quán tại Trung Quốc chỉ để học thêm kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài”, Hải Ninh nói với phóng viên Báo Đầu tư.

Cũng đúng, bởi trung bình mỗi năm, The Coffee House tiêu thụ khoảng 300 tấn cà phê, nhưng đến 90% sản lượng đều phải thu mua lại từ các đối tác, đặc biệt là Shin coffee. Việc mua lại mảng cà phê 33 ha của Cầu Đất Farm từ chủ cũ là Seedcom (cũng là một trong 3 cổ đông lớn của Trà cà phê Việt Nam) để họ tiến gần đến việc chủ động và nâng cao chất lượng cà phê trong chuỗi bán lẻ hiện có.

Trà cà phê Việt Nam vẫn kỳ vọng mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên 300, thậm chí 3.000 ha, nhưng đó là bài toán về tài lực, vật lực trong dài hạn. Có thể, họ phải tiếp tục phụ thuộc nguyên liệu từ các bạn hàng trong 3-5 năm tới.

Trường chinh mở chuỗi

Bốn năm qua, đội ngũ The Coffee House miệt mài xây dựng những câu chuyện đầy cảm hứng về sản phẩm cà phê Việt, cùng với sự mở rộng quy mô chuỗi. 80 cửa hàng là con số mà những chuỗi dẫn đầu trong cùng tập khách hàng và giá như Highlands, Phúc Long, hay thậm chí là “kẻ lắm tiền” Starbucks chưa thể làm được. Dự kiến đến hết năm 2018, chuỗi The Coffee House sẽ có khoảng 160 cửa hàng trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố. Đều đặn mỗi năm, số lượng cửa hàng tăng gấp đôi và sẽ không dừng lại đến khi đạt con số ngàn điểm bán.

The Coffee House thành lập năm 2014. Doanh thu chuỗi The Coffee House năm 2017 đạt gần 400 tỷ đồng và ước tính đạt 1.000 tỷ đồng năm 2018 với 20% từ kênh online.
Mảng cà phê The Coffee House vừa mua có diện tích khoảng 33 ha, sản lượng cà phê tươi đạt khoảng 200 tấn mỗi năm (40 tấn rang xay), dự kiến vượt mức 250 tấn đến hết năm 2018 và đạt 400 tấn trong năm 2019.

Thị trường cà phê nói chung và kinh doanh chuỗi cà phê nói riêng vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều biến động. Những cuộc cạnh tranh trong nội bộ Trung Nguyên kéo dài vài năm qua vẫn chưa có hồi kết, trong khi các thương hiệu Highlands và Starbucks trỗi dậy mạnh mẽ. Sau 4 năm cùng cuộc chạy đua mở chuỗi, The Coffee House chỉ phải đóng cửa 3 quán với lý do chuyển mặt bằng cho thương hiệu trà sữa của Công ty và 1 quán vì kinh doanh không hiệu quả. Nếu bàn về tốc độ mở chuỗi cà phê, có lẽ đây là cái tên cần được xướng lên đầu tiên trong hàng chục thương hiệu nội, ngoại khác. Nhưng, chưa biết ngôi vị này còn giữ được bao lâu, khi Trà cà phê Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng mở mới hàng trăm cửa hàng bán lẻ cà phê và 40 quán bán trà sữa Ten Ren.

Trong hơn 1 triệu tấn cà phê xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam, có được bao nhiêu doanh nghiệp trong nước dũng cảm “vỗ ngực xưng tên” rằng đã thoát phận gia công (xuất khẩu thô) cho đối tác ngoại?

“Rất nhiều doanh nghiệp chỉ thu mua, đè nén nông dân để kiếm chênh lệch. Họ cũng muốn xuất khẩu bằng thương hiệu của mình, nhưng lại không đủ uy tín để đối tác nước ngoài trực tiếp giao dịch. Thị trường nước ngoài nào cũng khó tính”, Nguyễn Hữu Long, chủ thương hiệu Shin coffee - đơn vị vừa xuất khẩu thành công khoảng 600 tấn cà phê dưới thương hiệu Shin Coffee đến tận tay đối tác tại Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan cho biết. Như vậy mới thấy, tham vọng của những người trẻ như Hải Ninh thật đáng trân trọng.

Quay lại việc The Coffee House mua lại mảng cà phê của Cầu Đất Farm đã được dự báo từ những năm đầu thành lập chuỗi. Trà cà phê Việt Nam hiện đã từ bỏ ý định niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Nhà đầu tư và chúng tôi đều không có nhu cầu rút vốn hay huy động thêm vốn”, Hải Ninh khẳng định và chia sẻ, dòng tiền hiện có đủ để Công ty thực hiện các kế hoạch kế tiếp. Dù không tiết lộ lợi nhuận sau thuế, tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, lãi gộp của The Coffee House ở mức 60%.

Hải Ninh và đội ngũ Trà cà phê Việt Nam chỉ vừa bắt đầu tìm hiểu và học hỏi về sản xuất, chế biến cà phê thương phẩm. Dù khi mua lại mảng cà phê của Cầu Đất, cũng sở hữu luôn xưởng chế biến, kho trữ lạnh và đội ngũ chuyên gia rang xay... nhưng ở quy mô 33 ha, ước mơ đem cà phê Việt chinh phục khách hàng toàn cầu chỉ mới được “gieo mầm”.

“Kinh doanh, suy cho cùng vẫn quan tâm đến lợi nhuận, nhưng trồng cà phê thì không như vậy mà chỉ là sự tử tế. Là công ty non trẻ sẽ phải học nhiều, trả giá cho rất nhiều sai lầm trong tương lai mà bây giờ mình chưa biết. Nhưng sau 5-10 năm nữa, chúng tôi tự tin có thể tạo ra sản phẩm cà phê đạt 90 điểm”, Nguyễn Hải Ninh nói.

The Coffee House và tham vọng đế chế cà phê Việt
10.000 lượt khách đến với chuỗi The Coffee House trong 1 ngày đang khiến thương hiệu này gần hơn tới mục tiêu tham vọng là tạo nên một đế chế cà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư