Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
"Cơn lốc" bán tháo đẩy VN-Index giảm 56 điểm, gần 90 cổ phiếu "nằm sàn"
Thanh Thủy - 06/07/2021 17:01
 
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất trong các thị trường châu Á hôm nay. Đà bán tháo xuất hiện từ sau 14h, phủ trên diện rộng ở cả ba sàn và bất ngờ giảm rất sâu ở phiên ATC.

Bất ngờ bán tháo mạnh, VN-Index rơi thẳng đứng sau phiên ATO đỏ lửa

Không mấy biến động trong phần lớn phiên giao dịch, cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam bất ngờ rơi thẳng đứng từ sau 14h10p. Trong khi trước đó, ở thời điểm kết phiên khớp lệnh liên tục, VN-Index mới giảm 24 điểm. Đến phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), hàng loạt lệnh bán giá thấp, giá ATC đổ vào thị trường. Sau phiên ATC đỏ lửa vì áp lực bán tháo, VN-Index tụt sâu 56,34 điểm, tương đương “bốc hơi” 3,99%. HNX-Index giảm 2,82% xuống còn 318,51 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 1,55%.

Cú rơi sâu trên khiến Việt Nam là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trong các sàn chứng khoán châu Á vừa kết thúc giao dịch hôm nay. Nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 mới do biến thể Delta như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.. đều đóng cửa trong sắc xanh.

.
Ba sàn chứng khoán bất ngờ rơi tự do trong nửa tiếng giao dịch cuối phiên - Ảnh: BSC

Cũng trong phiên giao dịch đỏ lửa này, thanh khoản trên HoSE và HNX đều tăng so với hôm qua. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 34.555 tỷ đồng, tiếp tục vượt 1,5 tỷ USD trong phiên giao dịch bán tháo này. Khối ngoại mua bán sôi động hơn phiên trước. Riêng trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.979 tỷ đồng và bán ra 1.932 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng gần 47 tỷ đồng. Giá trị giao dịch đã vọt lên  mạnh trong phiên ATC. Bảng điện tử của một vài công ty chứng khoán cũng xuất hiện lỗi hiển thị giá, ứng dụng giao dịch gặp trục trặc kỹ thuật...  

Ngoài việc chỉ số chung rơi mạnh, sắc đỏ còn phủ rộng và áp đảo trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính chung trên ba sàn, số mã chứng khoán giảm là hơn 720 mã, trong khi chỉ vỏn vẹn chưa đến 200 mã tăng giá. Thị trường cũng có tới 88 mã giảm kịch biên độ.

Đợt giảm mạnh này xảy ra khi dư nợ margin trên thị trường chứng khoán đang ở mức cao. Theo số liệu gần nhất được cơ quan quản lý cung cấp, dư nợ cho vay ký quỹ đến cuối tháng 5/2021 là 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021. Đã có những công ty chứng khoán thời gian gần đây chủ động cắt margin tại một số mã cổ phiếu. Tình trạng hết nguồn cho vay ký quỹ cũng được ghi nhận tại một số công ty chứng khoán thành viên.

Cổ phiếu Vinhomes “nằm sàn”, đánh mất ngôi á quân vốn hóa

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò nâng đỡ thị trường và giúp VN-Index thu hẹp đà giảm trong phiên hôm qua nhưng lại là yếu tố “dìm” thị trường rơi sâu phiên nay. VN30-Index giảm gần 69 điểm. Trong đó 26 mã giảm giá, gồm 7 mã chứng khoán giảm kịch biên độ gồm MBB, TPB, CTG, SSI, STB, TCB và VHM.

VHM và TCB là hai tội đồ kèo VN-Index giảm mạnh nhất. Cổ phiếu này mới giảm 2,45% ở phiên khớp lệnh liên tục nhưng đã nhanh chóng “nằm sàn” ở phiên ATC và đóng cửa ở mức giá 110.300 đồng/cổ phiếu. Thành quả tăng trong hai tuần qua đã mất hoàn toàn trong phiên hôm nay. Vốn hóa thị trường của Vinhomes giảm còn 369.451 tỷ đồng, đánh mất ngôi á quân vốn hóa vừa đạt được trong giai đoạn tăng giá mạnh vừa qua.

Tương tự, TCB cũng giảm kịch biên độ về 54.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, Techcombank vẫn giữ được vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng vốn hóa thị trường các tổ chức niêm yết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư