Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát - Bài 4: Mở đường hợp thức hóa?
Nhiệt Băng - 17/08/2021 08:28
 
Chỉ rõ vi phạm của hàng loạt dự án, công trình điện năng lượng mặt trời, song hầu hết địa phương đều lúng túng trong xử lý. Nhiều dự án, có dấu hiệu được “hợp thức hóa” vi phạm.
Trong làn sóng “đổ bộ” đầu tư dự án điện mặt trời, tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để làm điện mặt trời, “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại, lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng… Những dự án xây dựng bất chấp pháp luật này không chỉ phá nát quy hoạch đất đai, mà còn “góp phần” khiến hệ lụy của “cơn sốt” điện mặt trời trở nên trầm trọng hơn.
Hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời “mọc” lên như nấm sau mưa trên đất nông nghiệp	ảnh: nhiệt băng
Hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời “mọc” lên như nấm sau mưa trên đất nông nghiệp        Ảnh: Nhiệt Băng

Bài 4: Mở đường hợp thức hóa?

Chỉ rõ vi phạm của hàng loạt dự án, công trình điện năng lượng mặt trời, song hầu hết địa phương đều lúng túng trong xử lý. Nhiều dự án, có dấu hiệu được “hợp thức hóa” vi phạm.

“Điểm danh” sai phạm, nhưng dè dặt xử lý

Việc chuyển mục đích sử dụng đất của dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà đã khiến không ít cơ quan quản lý tại địa phương… “đau đầu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 2/3/2021, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã “nhờ” Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho ý kiến về vấn đề này.

Phúc đáp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng viện dẫn khoản 50, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 6/1/2017 của Chính phủ bổ sung Điều 79a, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: “Đối với trường hợp nhà đầu tư thuê quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất, thì người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư thuê quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, với câu hỏi: “Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích là đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, nay kết hợp với sản xuất điện mặt trời có phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hay không?” của Cục Thuế, thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng… “bó tay”, vì đây cũng là vướng mắc của chính cơ quan này.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 388, ngày 18/2/2021 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai xin ý kiến hướng dẫn, nhưng cho đến thời điểm nhận được văn bản của Cục Thuế, Sở vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan trên.

Tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), đầu tháng 7/2021, sau khi “điểm danh” hàng loạt vi phạm của các dự án, công trình đầu tư điện mặt trời tại địa phương (20/43 đơn vị xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế xây dựng công trình; 6 chủ đầu tư công trình nông nghiệp chưa triển khai tổ chức sản xuất theo quy định; 16 chủ đầu tư công trình nông nghiệp đã triển khai, nhưng chưa hoàn thiện tổ chức sản xuất theo quy định; một số đơn vị đã triển khai sản xuất công trình nông nghiệp, nhưng còn hình thức…), UBND huyện này cũng phải “nhờ” Sở Công thương và các sở, ngành hướng dẫn quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên các công trình nông nghiệp để “thống nhất quản lý” đối với tấm pin năng lượng, đất xây dựng trạm biến áp, đất xây dựng nhà kho chứa nông cụ, công tác phòng cháy và chữa cháy…

Lý do, đây là lĩnh vực mới trên địa bàn huyện cũng như các địa phương khác, chưa có nhiều văn bản hướng dẫn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nên còn khó khăn trong công tác quản lý.

Mới đây, trong kiến nghị gửi Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc hướng dẫn về quy trình đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng, nên một số cá nhân, tổ chức chỉ tập trung trang trại để xây dựng hệ thống điện mặt trời để bán điện, còn việc tổ chức sản xuất - kinh doanh mô hình trang trại chậm triển khai, công tác quản lý ở địa phương cũng gặp nhiều lúng túng. Sở đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể quy trình đầu tư điện mặt trời nối lưới và mái nhà, trách nhiệm và thẩm quyền đối với từng cơ quan để địa phương dễ thực hiện công tác quản lý đầu tư điện mặt trời theo quy định.

Tương tự, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cũng lúng túng trong cách xử lý và phải gửi văn bản tới Bộ Công thương với hàng loạt câu hỏi về hướng xử lý đối với trường hợp công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trước và sau khi Bộ Công thương ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 (về hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà); ai chịu trách nhiệm chính đối với việc hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái công trình trang trại nông nghiệp có chất lượng, kết cấu không đảm bảo, nhưng vẫn được nghiệm thu, đóng điện và trách nhiệm của ngành điện ra sao; hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái tôn sáng (tôn nhựa, tôn composite…) có đảm bảo theo đúng quy định hay không…

Còn Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk thì đề nghị Bộ Công thương sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời thay thế Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; đồng thời cần quy định rõ vai trò của sở công thương, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành điện trong việc phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Hướng đến… “hợp thức hóa”?

Như đã đề cập ở các bài trước, nhiều dự án, công trình điện năng lượng mặt trời tại miền Trung và Tây Nguyên vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng; “núp bóng” kinh tế trang trại đã được chỉ ra. Thế nhưng, hướng xử lý khá phổ biến của các địa phương là cho phép các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục. Từ đây, các vi phạm trước đó được “hợp thức hóa”.

Đơn cử, tại xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh, Khánh Hòa), hàng loạt công trình điện mặt trời kết hợp kinh tế trang trại vi phạm quy định về đất đai, bị UBND TP. Cam Ranh xử phạt, nhưng sau đó vẫn “an toàn”. Đến thời điểm này, Công ty Điện lực Khánh Hòa chưa thanh lý một hợp đồng mua bán điện nào, vì “không nghe chính quyền địa phương phản ánh gì về các trường hợp vi phạm”.

Công ty Điện lực Khánh Hòa cho rằng, việc xử lý vi phạm của các công trình điện mặt trời kết hợp kinh tế trang trại là của chính quyền địa phương, còn đơn vị điện lực chỉ thực hiện các thủ tục thuộc chức năng quản lý của ngành điện, “không được yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị”. Dù vậy, ông Trần Đăng Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Điện lực Khánh Hòa cũng chỉ ra thực trạng: “Việc khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời là chủ trương là đúng, nhưng không hiểu người dân lấy tiền ở đâu mà đổ xô đầu tư nhanh quá, dẫn đến nhiều phức tạp”.



UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), tại Báo cáo số 41 (ngày 8/2/2021), đã chỉ ra những vi phạm phổ biến trong phát triển điện năng lượng mặt trời tại địa phương. Cụ thể: đa số công trình, dự án nông nghiệp chưa sử dụng đúng công năng, mục tiêu và chưa hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ dự án đã cho thuê, ký kết hợp đồng, hợp tác để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; không thông báo, gửi hồ sơ công trình, dự án cho UBND cấp xã…

Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2021, trong Văn bản số 105 về đánh giá việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời trên địa bàn gửi Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà lại cho biết: “Tất cả công trình, dự án đầu tư công trình nông nghiệp (kết hợp điện năng lượng mặt trời - PV) đều đã thực hiện xong chuyển mục đích sử dụng đất thành đất nông nghiệp khác. Các chủ đầu tư của các công trình, dự án trang trại chăn nuôi đã lập, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường”.

Nội dung này trong văn bản của UBND huyện Lâm Hà làm dấy lên nghi vấn về việc những vi phạm nêu tại Báo cáo số 41 đã được “xí xóa” và “hợp thức hóa” bằng cách hoàn thiện thủ tục.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, tại Văn bản số 1223 (ngày 1/7/2021) gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đã đề xuất: “Đối với các trường hợp chưa đảm bảo về các thủ tục pháp lý, đề nghị UBND huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo quy định…”. Đề xuất này, dù vô tình hay hữu ý, đã mở “cánh cửa” cho doanh nghiệp có cơ hội “hợp thức hóa” vi phạm?

Trong khi trước đó, ngày 4/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu các các huyện, TP. Đà Lạt, Bảo Lộc và Công ty Điện lực Lâm Đồng tăng cường kiểm soát việc đầu tư trang trại kết hợp với điện mặt trời mái nhà, phải đảm bảo đúng mục đích kinh tế trang trại và không ký hợp đồng mua bán điện với các trường hợp không đảm bảo điều kiện theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra và yêu cầu các đơn vị lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà trong khu công nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định. Nếu các đơn vị không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, đề nghị ngành điện không ký hợp đồng mua bán điện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn nạn các công trình điện mặt trời “núp bóng” kinh tế trang trại, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra thực tế: “Họ cố tình làm sai quy định của Nhà nước. Nếu họ đầu tư trang trại bài bản đúng theo mục đích đối với mô hình này thì tốn kém, phức tạp hơn. Nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự thiếu giám sát của Bộ Công thương và chính quyền địa phương để làm bừa, làm ẩu nhằm kiếm tiền cho nhanh”.

 “Người dân cứ thấy bán điện giá cao thì đổ xô đầu tư. Bây giờ họ đã đầu tư, đóng điện và thu lợi nhuận rồi, thì làm gì được nữa”, ông Ngãi thở dài.

(Còn tiếp)

“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát - Bài 1: “Mọc” trên đất nông nghiệp, “ký sinh” trong khu công nghiệp
Ở Khánh Hòa, trên những khu đất nông nghiệp bị chuyển đổi trái quy định, hàng ngàn tấm pin mặt trời “ngoi” lên. Còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư