Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Con tôm xuất khẩu còng lưng gánh thuế
Hà Tâm - 16/08/2013 12:49
 
Quyết định vô lý về mức thuế chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam của Mỹ không chỉ gây hại tới 600.000 người nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam mà còn khiến hàng triệu người tiêu dùng Mỹ thiệt thòi. >>> Vasep phản đối phán quyết về thuế chống trợ cấp tôm

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam. Theo đó, thuế suất chống trợ cấp áp dụng với 2 bị đơn bắt buộc là 7,88% (Minh Qui Seafoods Co. Ltd) và 1,15% (Nha Trang Seaproduct Co.).

Chính phủ Việt Nam không hề trợ cấp ngành tôm. (Ảnh: Đức Thanh)

Mức thuế chống trợ cấp áp dụng cho tất cả công ty khác trong toàn quốc là 4,52%.

Quyết định này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm xuất khẩu của Việt Nam, khi hai đối thủ chính của tôm nước ta là Thái Lan và Indonesia không phải chịu thuế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu,vn, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) khẳng định, quyết định áp thuế chống bán phá giá của Mỹ là sự áp đặt bất công.

Các doanh nghiệp tôm Việt Nam lâu nay hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại diện cơ quan Chính phủ, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam không hề trợ cấp với ngành tôm. Từ thức ăn, con giống, nhân công, đầu tư cơ sở hạ tầng…, người dân và doanh nghiệp đều phải tự bỏ vốn. “Việc Mỹ đưa ra phán quyết bất công như vậy là nhằm bảo vệ một bộ phận người nuôi tôm nước họ”, ông Tuấn nói.

Theo Vasep, phán quyết cuối cùng về thuế chống trợ cấp với tôm nước ấm Việt Nam sẽ khiến con tôm xuất khẩu phải chịu 2 loại thuế là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người chế biến, xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước cho rằng, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ có khả năng giảm mạnh. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới ngành tôm Việt Nam, mà còn khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt hại. “Họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ”, Vasep khẳng định.

Theo quy định, phán quyết trên của DOC chỉ có hiệu lực khi được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) thông qua, dự kiến vào ngày 26/9 tới. Nếu ITC xác nhận rằng, các doanh nghiệp Mỹø bị thiệt hại do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam, DOC sẽ ban hành lệnh về thuế chống trợ cấp, dự kiến công bố ngày 3/10/2013. Còn nếu ITC xác nhận doanh nghiệp Mỹ không thiệt hại, vụ kiện sẽ chấm dứt, toàn bộ các khoản ký quỹ sẽ được hoàn trả cho doanh nghiệp.

Theo Vasep, dù 90% lượng tiêu thụ tôm trên thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu, song năm 2012, ngành tôm nội địa Mỹ vẫn tăng trưởng cả về sản lượng và giá cả. Điều này cho thấy, tôm nhập khẩu không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến ngành tôm của Mỹ.

Vasep đề nghị, ITC cần xem xét công tâm, đưa ra phán quyết hợp lý để chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này. Tuy nhiên, khả năng lật ngược tình thế là khó, do trong vụ việc này, DOC và ITC đồng thuận với nhau.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh đơn hàng sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản…, để bù đơn hàng sang Mỹ. Nhưng về lâu dài, để tránh các vụ kiện chống trợ cấp tương tự xảy ra với các sản phẩm khác, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, các cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm trong ban hành các văn bản pháp luật. Do nguồn lực có hạn, nên sự hỗ trợ của Chính phủ với nông dân trên thực tế là rất ít, song việc ban hành nhiều văn bản về vấn đề này khiến các nước nhập khẩu có thể vin vào để “đánh” hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư