Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Công bố hết dịch Covid-19, nên chăng?
Dương Ngân - 16/11/2022 08:46
 
Số ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, vui chơi, giải trí đã diễn ra bình thường, người dân ở nhiều nơi đã bỏ thói quen dùng khẩu trang. Vậy Việt Nam có nên công bố hết dịch Covid-19?

Tiềm ẩn rủi ro

Tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp, chưa ổn định, tại nhiều quốc gia, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, nhiều loại biến chủng mới, biến chủng phụ, tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh và khó dự đoán được mức độ nguy hiểm.

Khi mở cửa du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam ngày một đông, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bùng phát dịch nếu chẳng may có một loại biến chủng nguy hiểm xuất hiện.

Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá: “Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch Covid-19”.

Theo GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19. Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân… trong tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi công bố hết dịch, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ đông thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Khi cần kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội sẽ bị động.

Còn theo PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM), nếu Việt Nam tuyên bố hết dịch thì chỉ mang ý nghĩa “chung chung” và không có giá trị pháp lý. Tuyên bố chấm dứt hay xuất hiện một đại dịch chỉ có WHO hoặc cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền trên toàn thế giới thực hiện.

Việc có công bố hết dịch hay không và công bố thế nào, nhất định phải căn cứ theo luật, cụ thể là Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, vì Covid-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm.

Vẫn chống dịch, nhưng linh hoạt

Biện pháp khả thi lúc này là từng bước giảm các biện pháp phòng, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp chống dịch Covid-19.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như: tạm dừng khai báo y tế; dừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc; mở rộng việc điều trị tại nhà;  khoanh vùng ổ dịch được thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể.

Đồng thời, cập nhật các hướng dẫn về tiêm vắc-xin cho trẻ em; cập nhật hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế; cập nhật quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, thu dung, điều trị người bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh; điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch đối với người dân từ 5K sang 2K + (gồm khẩu trang, khử khuẩn)…

PGS-TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: “Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Trong giai đoạn này, chúng ta đã chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, nới lỏng đồng bộ nhưng vẫn cần dự phòng đồng bộ, nới lỏng song không vì thế mà buông trôi, thả lỏng. Covid-19 sẽ còn kéo dài, có thể còn ca nặng, vì vậy, cần tiếp tục bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch...”.

Trong tình hình hiện nay, dịch đang trong tình trạng được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Y tế, hiện vẫn còn nhiều địa phương tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi và cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp, chậm. Để tạo miễn dịch cộng đồng tốt, mỗi người dân nên tích cực đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Từng người dân khỏe mạnh sẽ tạo nên một đất nước khỏe mạnh.

Cũng theo GS-TS. Phan Trọng Lân, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ nhanh chóng được áp dụng trở lại (kể cả biện pháp 5K) để kịp thời khống chế không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Covid-19 chưa dứt hẳn, sốt xuất huyết lại tràn đến
Những ai đã từng mắc sốt xuất huyết đều cho rằng, đó là “cơn ác mộng”, khủng khiếp không kém Covid-19. Đáng lo ngại là số ca sốt xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư