Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Công bố nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid tới lao động phi chính thức
Hiếu Vân - 22/01/2021 10:51
 
Hai nghiên cứu đánh giá về tác động của Covid tới người lao động vừa được công bố tại Hội thảo khoa học tham vấn kết quả nghiên cứu Đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó.

Đây là các các nghiên cứu nằm trong chuỗi các nghiên cứu liên quan đến sinh kế, việc làm, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và công bằng xã hội; nằm trong chương trình hợp tác giữa ActionAid Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam và Học viện Nông nghiệp và các đối tác tại Việt Nam cùng phối hợp thực hiện.

Theo công bố, Nghiên cứu 1 với chủ đề “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên lao động phi chính thức tại thành thị và các biện pháp ứng phó” thực hiện phỏng vấn đối với 500 lao động phi chính thức tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh về tình hình sinh sống và việc làm của họ trong đại dịch cho thấy những kết quả rất đáng chú ý.

Theo đó, 48,2% người lao động được phỏng vấn cho biết bị giảm thu nhập nặng nề, hơn 30% lao động phi chính thức gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn và dinh dưỡng, không được hỗ trợ về các dịch vụ y tế trong thời kỳ dịch bệnh. 

Các diễn giả tham gia phần Tọa đàm thảo luận toàn thể
Các diễn giả tham gia phần Tọa đàm thảo luận toàn thể

Đặc biệt phụ nữ thuộc nhóm lao động phi chính thức phải chịu nhiều gánh nặng khi vai trò cung cấp thu nhập chính trong gia đình chuyển nhiều sang nữ giới với 81,1% người được phỏng vấn phản hồi.

Đáng chú ý, 76,7% lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động, làm các công việc thời vụ, không có hộ khẩu thường trú, dẫn đến việc khó khăn trong công tác ghi chép vào hệ thống bảo trợ y tế, xã hội và bảo trợ lao động thất nghiệp. Do đó, theo khảo sát báo cáo, chỉ 22% số lao động phi chính thức được phỏng vấn cho biết đã nhận hỗ trợ Covid-19 từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ.

Các phát hiện chính của nghiên cứu cũng cho thấy hơn 90% người được hỏi khẳng định họ đã bị ốm trong và ngay sau thời gian giãn cách do Covid, trong đó không ai đi khám bệnh tại bệnh viện, hơn 30% người nhặt ve chai, bán hàng rong, giúp việc gia đình tham gia phỏng vấn phải giảm số lượng và chất lượng thức ăn do không có tiền tiết kiệm và không có sinh kế trong thời gian giãn cách 

Hơn 38% người được hỏi cho rằng hỗ trợ của nhà nước trong và sau giãn cách là “kịp thời” và “phù hợp”, hơn 72% cho rằng các thủ tục để tiếp cận được hỗ trợ này cần bớt “phức tạp” hơn.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV tại Việt Nam, tuy các lao động phi chính thức là những đối tượng cần phải được quan tâm và bao hàm trong các chính sách hỗ trợ của chính phủ, song việc thiếu về giấy tờ hợp lệ, thủ tục rườm rà và yếu kém trong công tác quản lý và xác định những người dân thực sự cần hỗ trợ đã tạo nên những rào cản vô hình. Vì vậy, bà Thảo khuyến nghị bên cạnh xúc tiến thực thi các chính sách của Chính phủ, cụ thể là Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH về việc lưu trữ thông tin lao động, cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường tuyên truyền các chính sách và làm việc trực tiếp với người dân để đảm bảo hỗ trợ được kịp thời và thiết thực.

Bên cạnh đó, nghiên cứu 2 với chủ đề “Ngân sách cho dịch vụ công nhạy cảm giới” cho thấy các công việc chăm sóc không lương vốn được cho là “nghĩa vụ” của phụ nữ - có thể chiếm đến 20% GDP Việt Nam nếu được ghi nhận đầy đủ. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn phụ nữ và trẻ em gái phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19. Nguyên nhân là do 2/3 những công việc trong y tế được đảm nhận bởi nữ giới. Việc trường học đóng cửa khiến phụ nữ phải ở nhà chăm sóc con cái.

Các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu cũng dẫn các kết quả nghiên cứu của IMF trước đó cho thấy 64% nữ lao động chọn các công việc phi chính thức để có thời gian làm các công việc chăm sóc không được trả lương, nhưng lại chịu thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi nghỉ ốm có lương và trợ cấp thất nghiệp.

Theo các chuyên gia thực hiện nhóm nghiên cứu, vấn đề dịch vụ công nhạy cảm giới đảm bảo quyền lợi và sự phát triển bền vững cho người dân, giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ, tăng chất lượng dịch vụ cho công dân phù hợp với các nguyên tắc quyền con người với ngân sách chủ yếu được tài trợ từ ngân sách công.

Tuy nhiên, với tổn thất kinh tế thế giới trong đại dịch ước tính vượt quá 1 nghìn tỷ USD, việc các nước đã và đang tê liệt trước khủng hoảng nợ mới phải chịu áp lực trả nợ nên càng tạo sức ép nặng nề lên các Chính phủ trong bối cảnh ngân sách suy giảm do phải tập trung hỗ trợ vực dậy nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, đánh giá của IMF cho thấy Chính phủ các nước giằng co giữa ngân sách công và trả nợ; đầu tư vào dịch vụ công và thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng do đó, chưa đánh thuế tài sản đúng trong đại dịch dẫn thiếu hụt ngân sách.

Theo kết quả nghiên cứu, trên thế giới, các nước thu nhập thấp, đặc biệt ở châu Phi, đang dành nhiều ngân sách nhà nước (từ 20-55%) để trả nợ thay vì đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và giáo dục. Tại Việt Nam, con số này là 6,55 %.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia thực hiện nghiên cứu, nhằm cơ cấu lại tỉ lệ chi tiêu công cho dịch vụ nhạy cảm giới, các Chính phủ nên cân nhắc một số giải pháp, trong đó có việc tạo doanh thu bổ sung thông qua đánh thuế tài sản, giảm ưu đãi cho các công ty đa quốc gia, thuế bất động sản, thuế tài sản.

Đồng thời tăng đầu tư vào dịch vụ công trọng điểm gồm giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh, nhà ở cho người nghèo, bảo trợ xã hội toàn dân, chính thức hoá các công việc phi chính thức.

Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo trong phòng chống Covid-19, được thế giới công nhận và hoan nghênh, bước đầu kiểm soát rất tốt tình hình nhiễm mới. Chính phủ cũng nhanh chóng quyết định dành 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng lớn do đại dịch.

Báo cáo “Lao động phi chính thức trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó”, đã phân tích cách thức nhóm lao động phi chính thức là nữ giới tại hai đô thị lớn, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bị ảnh hưởng và ứng phó với cú sốc Covid-19 trên bốn khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình.

Nghiên cứu chỉ rõ trong số các nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất về kinh tế - xã hội, những người lao động phi chính thức, bao gồm cả phụ nữ, người có tuổi và người ở nhà tạm, là đối tượng cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.

Không chỉ chiếm tỉ lệ cao trong nhóm lao động phi chính thức, phụ nữ còn là đối tượng phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 khi bất cân đối trong công việc chăm sóc không lương và nội trợ gia tăng. Kết quả nghiên cứu “Ngân sách cho dịch vụ công có nhạy cảm giới tại Việt Nam” chỉ ra rằng ngân sách cho dịch vụ công tỉ lệ nghịch với gánh nặng của nữ giới về các công việc không lương và tỉ lệ thuận với khả năng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Chính vì vậy, cắt giảm ngân sách cho dịch vụ công về y tế và giáo dục đã gián tiếp cản trở phụ nữ theo đuổi những công việc được trả lương.

Nhiều chỉ dấu cho thấy thị trường lao động sẽ sớm phục hồi
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể khiến lao động mất việc. Song những chỉ dấu của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư