Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường lao động 2020: Hàng chục triệu người bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19
Mạnh Bôn - 06/01/2021 15:59
 
Nếu như quý II chỉ có 30,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 thì sang quý III tăng lên 31,8 triệu người và quý IV là 32,1 triệu người.

“Tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống (TCTK) kê cho biết.

Số người bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 gia tăng

Theo số liệu vừa được TCTK công bố thì mặc dù Việt Nam đã khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng số người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch “chưa có tiền lệ” tiếp tục gia tăng khi tính đến cuối năm 2020 có tới 32,1 triệu người (từ 15 tuổi trở lên) bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó có 29,7 triệu đang có việc làm; 372.700 bị thất nghiệp, mất việc làm do dịch bệnh và khoảng 2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không có việc làm và không có nhu cầu tìm kiếm việc trong đó rất nhiều người trong số này chưa có nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng do dịch bệnh không thể tìm kiếm được việc làm).

“Sau khi dịch bệnh xảy ra, bắt đầu vào quý II/2020, TCTK tiến hành điều tra về lao động và việc làm. Kết quả cho thấy, trong quý II chỉ có 30,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh thì sang quý III, số người bị tác động tiêu cực đã tăng thêm khoảng một triệu lên 31,8 triệu người. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV đã phục hồi trở lại, kinh tế quý IV khởi sắc khi tăng đạt tốc độ tăng trưởng 4,48% thay vì 2,69% của quý III và 0,39% trong quý II, nhưng số người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch vẫn tăng thêm khoảng 300.000 người, lên 32,1 triệu người”, bà Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK cho biết.  

Theo phân tích của TCTK, trong số người bị virus Corona “tấn công” thì có tới 69,2% người bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

“Có khoảng 14 triệu người đang làm việc ở khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có 11,1 triệu người. Còn lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, số người bị tác động tiêu cực cũng lên tới con số 4,5 triệu người. Điều đáng nói là địa phương càng có hoạt động kinh tế sôi động, đang là những động lực thúc đẩy kinh tế thì số người bị ảnh hưởng tiêu cực càng lớn. Trong đó, TP.HCM có 3,8 triệu người; Bình Dương có 1,6 triệu người, Đồng Nai có 1,3 triệu người”, bà Thủy nói thêm.

Bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, có rất nhiều lý do để lạc quan trước sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới
Dù bị tác động tiêu cực thời gian qua, song bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, có rất nhiều lý do để lạc quan trước sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới

Vẫn lạc quan về thị trường lao động

Số người bị tác động tiêu cực bởi dại dịch vô cùng lớn, chiếm trên 59% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên (32,1/54,6 triệu người), tuy nhiên, bà Bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc ILO Việt Nam vẫn cho rằng: “Có rất nhiều lý do để lạc quan vì thị trường lao động đang dần phục hồi. Bởi khi thị trường lao động phục hồi và tăng trưởng trở lại thì số người thất nghiệp, thiếu việc, bị giãn việc, nghỉ luân phiên sẽ giảm đi, thu nhập của người lao động sẽ tăng lên”.

“Trong quý IV năm 2020, mặc dù số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (gần 54 triệu người) giảm 945.000 người so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với quý trước thì khu vực phi chính thức tiếp nhận thêm 233.000 người; khu vực dịch vụ tăng thêm 400 ngàn việc làm mới, còn lĩnh vực sản xuất số việc làm tăng thêm là hơn 360.000. Tỷ lệ thiếu việc làm trong quý IV cũng giảm xuống so với 3 quý đầu năm và hiện chỉ còn 1,89% số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm (902.200 người), giảm mạnh so với quý II (3,08%) và quý III (2,79%)”, bà Valentina Barcucci dẫn chứng để chứng minh sự phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

“Bắt đầu từ quý III đã có sự cải thiện về tình hình lao động, việc làm và sang đến quý IV thì tình hình càng sáng sủa hơn, rõ nét hơn nhờ Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và thực hiện “kháng bệnh” trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng trên thế giới, đặc biệt là sự xuất biện biến thể của Virus Corona (khởi đầu tại Vương quốc Anh và đã lan ra nhiều nước trên thế giới) nên dự báo sắp tới chỉ có thể nói là rất khó lường. Một khi dịch bùng phát chắc chắn tác động ngay tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm đảo lộn mọi hoạt động của toàn xã hội nên thị trường lao động chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực”, bà Vũ Thị Thu Thủy vẫn không khỏi lo lắng nhưng vẫn tin rằng, các chính sách, cách thức phòng chống dịch đang thực hiện đã cho thấy rất hiệu quả.

Bà Thủy hy vọng, việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn một số loại phí, lệ phí, thuế… cho doanh nghiệp và người dân thì trong năm nay Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động.

Mặc dù có hơn 69% trong tổng số trên 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị giảm thu nhập do tác động tiêu cực bởi nCoV, nhưng theo số liệu vừa được TCTK công bố thì thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2020 chỉ giảm 128.000 đồng/tháng so với năm 2019. Trong đó, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương (6,6 triệu đồng/tháng), chỉ giảm chưa đến 100.000 đồng so với năm 2019.

“Thu nhập của người lao động giảm không nhiều, nhưng đây là năm đầu tiên trong rất nhiều năm qua thu nhập của người lao động không tăng mà lại còn bị giảm. Điều này đã phản ánh thực tế tác động tiêu cực của Covid-19 đến người lao động. Ngoài ra, nếu tính cả lạm phát (3,23%), đặc biệt là mức độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đặc biệt là  mặt hàng thịt lợn, giá dịch vụ y tế, giáo dục… thì thu nhập thực tế của người lao động còn giảm hơn nhiều”, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Dệt may châu Á điêu đứng vì xuất khẩu sụt giảm, thiếu việc làm
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% tổng xuất khẩu may mặc của thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, trong đó, ngành dệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư