Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công khai mời nhà đầu tư tái cơ cấu, sức khỏe GPBank hiện như thế nào?
T.L - 21/11/2019 09:33
 
Sau 4 năm được mua lại với giá 0 đồng, hôm qua (20/11/2019), GPBank trở thành ngân hàng đầu tiên chủ động thông báo tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu. Theo thông tin của infomoney.vn, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ngoại đã “tìm hiểu” GPBank nhưng chưa nhà đầu tư nào chốt phương án mua ngân hàng này.
f
Sức khỏe tài chính của GPBank vẫn là dấu hỏi lớn

Ngày 20/11, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) thông báo tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. GPBank muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật khác. Đối tác quan tâm gửi phương án cơ cấu về ngân hàng trước 16h ngày 16/12.

Là một trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu bắt buộc vào đợt đầu tiên, đến năm 2015, sau khi không thể tự tái cơ cấu hoặc tìm đối tác sáp nhập, năm 2015, GPBank là ngân hàng thứ ba bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng  kể từ ngày 7/7/2015.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014 thì tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng.

Sau khi mua lại 0 đồng, NHNN đã giao cho Vietinbank hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu GPBank, đổi mô hình thành Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.  

Hiện thông tin về tình hình tài chính của GPBank rất ít ỏi. Thông tin cuối năm 2015 cho thấy, huy động vốn của ngân hàng đạt hơn 20.900 tỷ đồng, tăng 30% so với trước khi Ngân hàng Nhà nước mua lại. Trong năm 2015, GPBank thu hồi được 600 tỷ đồng nợ quá hạn. Lỗ bình quân của ngân hàng từ tháng 7/2015 đến cuối năm 2015 giảm 38% so với trước khi được mua lại. Đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn của GPBank tăng 8,7% so với ngày 06/07/2015 . Mặc dù vậy, theo Kiểm toán Nhà nước, việc thu hồi nợ xấu tại GPBank gặp nhiều khó khăn, khả năng chỉ thu hồi được 1/3.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ thực hiện 146 cuộc kiểm toán, trong đó sẽ có 16 cuộc kiểm tóa với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Với lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính – ngân hàng, sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019….Về số lượng, dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại. Ý kiến các đại biểu quốc hội cho thấy, đa số đều tán thành dự kiến của kiểm toán nhà nước, song đại biểu quốc hội đề nghị, cần xem xét thực hiện kiểm toán thêm 3 ngân hàng 0 đồng để xác định thực trạng tài chính hiện nay.

Năm 2017 theo thông tin của ngân hàng này, huy động tiền gửi tăng 3,9%, dư nợ cho vay toàn hệ thống tăng 11,4% so với 31/12/2016.  Ngân hàng đã tích cực xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, thoái vốn đầu tư. 

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, ông Phạm Huy Thông – Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, số dư huy động vốn của GPBank trên thị trường 1 đã tăng đáng kể so với đầu năm 2019, thanh khoản dồi dào. Song song với hoạt động huy động vốn, các chỉ tiêu: dư nợ cho vay và phát triển khách hàng mới đều ổn định qua từng tháng. Các hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, thẻ... cũng có sự tăng trưởng đáng kể về doanh số. GPBank luôn chú trọng hoàn thiện và tăng cường các cơ chế giám sát nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ở tất cả các mặt.

Như vậy, thông tin về tình hình tài chính của GPBank 3 năm gần đây rất chung chung. Được biết, từ năm 2015 đến nay, rất nhiều đối tác nước ngoài đã vào tìm hiểu GPBank nhưng chưa thương vụ nào bước vào vòng đàm phán cuối cùng. Theo các chuyên gia kinh tế, sức khỏe thực của GPBank vẫn là dấu chấm hỏi, cộng với phần lớn nợ xấu của GPBank gắn với các đại án, khó xử lý khiến GPBank chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

Phát biểu tại một Hội nghị đầu năm nay, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, GPBank hiện đang củng cố hiệu quả hoạt động và có một số đối tác nước ngoài quan tâm đầu tư hợp tác lâu dài.

Trong báo cáo gửi Quốc hội vào giữa tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, ba ngân hàng "0 đồng" đã tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia quá trình cơ cấu lại.

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng: Có dễ sở hữu 100% nhà băng Việt?
Việc Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đề xuất mong muốn tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) một lần nữa xới lên câu chuyện nhà đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư