Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công nghệ hút vốn đầu tư ngoại
Bảo Minh - 26/02/2019 06:35
 
Công nghệ tài chính (Fintech), ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng kết nối dịch vụ là các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư ngoại.
Nhiều Dự án khởi nghiệp như Sendo, Tiki... thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư ngoại. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều dự án khởi nghiệp như Sendo, Tiki... thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư ngoại. Ảnh: Đức Thanh

Mở hầu bao đầu tư vào công nghệ

Ngay những ngày đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp và start-up tại Việt Nam đã loan báo tin vui khi đón nhận sự quan tâm của các dòng vốn ngoại. Điển hình như Công ty Leflair, chủ đầu tư một trang web mua sắm hàng hiệu trực tuyến tại Việt Nam, được sáng lập bởi 2 doanh nhân người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, đã đầu tư kho hàng tại Việt Nam, Singapore và Hồng Kông, vừa thông báo nhận được 7 triệu USD từ 2 quỹ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia).

Cũng cần nói thêm, Leflair được vận hành trên nền tảng sử dụng mô hình bán hàng flash-sale đã thành công ở thị trường châu Âu và Trung Quốc. Doanh nghiệp này chuyên phân phối các sản phẩm thời trang, làm đẹp và nhà cửa từ các thương hiệu trung và cao cấp trên toàn thế giới đến Việt Nam với mức giá giảm. Sau 4 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã ký kết hợp tác với hơn 1.500 thương hiệu trong và ngoài nước, chỉ riêng trong 3 năm gần đây, Leflair đạt tốc độ tăng trưởng 100%/năm về doanh thu. “Đây chính là lý do các nhà đầu tư ngoại đã gật đầu với chúng tôi”, đại diện Leflair cho biết.

Một công ty khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (Fintech) là ví điện tử MoMo cũng vừa nhận thêm vốn đầu tư từ Warburg Pincus (Hoa Kỳ).

Con số đầu tư cụ thể không được tiết lộ, nhưng chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo cho biết, tính đến nay, MoMo đã có gần 10 triệu lượt tải ứng dụng. Đồng thời, MoMo cũng là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp ba lần trong năm qua.

Với hơn 100.000 điểm thanh toán trên cả nước và phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng, MoMo đang trở thành một trong những ví điện tử có mạng lưới và lượng người dùng đứng đầu thị trường vào thời điểm hiện tại. Năm 2018, MoMo là công ty Fintech duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách Top 100 Fintech thế giới do KPMG công bố. Đây cũng chính là lý do khiến Warburg Pincus mở hầu bao. Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo là đơn vị tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong lĩnh vực Fintech và thương mại điện tử tại Việt Nam.

WeFit - doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và TP.HCM trên nền tảng ứng dụng di động cũng cho biết, vừa gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư cá nhân khác.

Điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn ngoại

Trong buổi ký kết hợp tác đầu năm 2019 giữa Topica Founder Institute (TFI) với Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, TFI đã công bố một báo cáo quan trọng. Theo đó, trong năm 2018, Việt Nam có 65 dự án khởi nghiệp được đầu tư, với tổng số vốn 428 triệu USD, trong đó chủ yếu là các dự án về công nghệ.

Cụ thể, ngoài những dự án được đầu tư dưới 2 triệu USD như Base.vn, LogiVan, Jupviec, Homedy, thì một điều đặc biệt là năm 2018, Việt Nam có những khoản đầu tư lên đến trên 50 triệu USD vào Tiki, Sendo và Topica. Nói cách khác, các dự án công nghệ tại Việt Nam hút vốn đầu tư ngoại không chỉ về số lượng dự án nhận vốn đầu tư, mà ngay cả giá trị các khoản đầu tư đều tăng rất mạnh. “Đây là một tín hiệu rất đáng mừng”, ông Trần Mạnh Công, Giám đốc TFI chia sẻ.

Thông tin thêm về xu hướng này, báo cáo của TFI cho biết, nếu như trước đây, khoản đầu tư lớn nhất là 28 triệu USD vào MoMo, thì trong giai đoạn 2017 - 2018, số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, các khoản đầu tư quy mô từ 100.000 đến 300.000 USD đã tăng rất mạnh. Đáng chú ý, có nhiều dự án khởi nghiệp có giá trị trên 100 triệu USD như Foody, Tiki, Sendo, Topica, MoMo, VCCorp hay Yeah1 đều thu hút sự quan tâm rất lớn của nhiều quỹ đầu tư ngoại.

Lý giải về sự thay đổi này, đại diện TFI cho biết, Việt Nam đang có dân số trẻ, lượng người dùng sử dụng Internet cao, thu nhập bình quân đầu người đang trên đà tăng chính là những yếu tố hấp dẫn các start-up công nghệ và quỹ đầu tư ngoại.

Ưu tiên dòng vốn vào các ngành công nghệ cao

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Vũ Ðại Thắng đã nhấn mạnh, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới của Việt Nam là ưu tiên dòng vốn vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, Internet vạn vật (IoT)…

Sàn thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng hiệu quả
Nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2018 được thực hiện bởi trên 5.000 cửa hàng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư