Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
“Thổi lửa” cho doanh nghiệp công nghệ tài chính Việt
Phương Trang - 26/06/2018 08:42
 
Các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang nở rộ cả về chất và lượng tại Việt Nam trong những năm qua. Để có thể lớn mạnh, đóng góp vào quá trình phát triển ngành tài chính, doanh nghiệp fintech rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các định chế tài chính và cả giới chuyên môn.

Thời của fintech 

Ông Trần Thanh Nam, CEO của cổng thanh toán Moca cho biết, start-up của ông phải “nằm gai nếm mật” trong 5 năm vừa qua để gặt hái những thành quả như hiện tại. Năm 2016, Moca đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cho phép hoạt động và cho đến nay, start-up này đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm thanh toán qua di động với ngân hàng đối tác thứ 11. 

“Trong số các ngân hàng đối tác này, có 3 ngân hàng lớn của Nhà nước. Đây là thành quả rất đáng khích lệ cho chúng tôi. Bất kỳ start-up nào trong ngành công nghệ tài chính có thể trụ vững sau 2-3 năm đầu tiên cũng là điều tuyệt vời”, ông Nam chia sẻ. 

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào giao lưu tại chương trình.
Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào giao lưu tại chương trình.

Ông Nam cho biết thêm, Moca thành lập từ 10 năm trước, khi fintech còn là thuật ngữ xa lạ với thị trường Việt Nam và các công nghệ cũng còn ở mức sơ khai. “Chúng tôi đã bỏ ngoài tai những lời quan ngại về tính thực tế của Moca và sau nhiều năm kiên trì, các sản phẩm của chúng tôi đã bắt đầu tạo ra giá trị gia tăng cho thị trường”, ông Nam tự hào nói. 

Một ứng dụng thanh toán và ví điện tử khác là Momo cũng nhận được “tem bảo chứng chất lượng” vào năm 2016, khi 2 quỹ ngoại Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs cùng rót 28 triệu USD vào Momo. Tương tự Moca, Momo cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản rồi sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán. 

“Hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh ở cả hai phía phát hành và tiếp nhận. Chúng tôi thấy doanh nghiệp fintech và ngân hàng khi bắt tay với nhau sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho người tiêu dùng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tài chính. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ ngành fintech phát triển, điển hình là rót vốn đầu tư vào Momo”, ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ tại Standard Chartered Vietnam cho biết. 

Moca và Momo chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp fintech với ý tưởng khởi nghiệp táo bạo. Các doanh nghiệp fintech rất sáng tạo trong việc tìm cách giải quyết những khó khăn tài chính cho thị trường lẫn người tiêu dùng. Trong những năm qua, họ đã góp phần giúp người tiêu dùng Việt tin tưởng hơn vào hệ thống thanh toán điện tử và ngành fintech nói chung. 

Tại Cuộc thi Thử thách fintech Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, các doanh nghiệp fintech đã “thay máu” ngành tài chính Việt Nam nhờ sự uyển chuyển trong kinh doanh và các giải pháp sáng tạo. Các doanh nghiệp fintech ưu tiên trải nghiệm của khách hàng và đưa ra những sản phẩm rất gần gũi với thực tế.  

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN, có khoảng 80 doanh nghiệp fintech đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thanh toán, cho vay hoặc cấp vốn, đến blockchain, chuyển tiền và giải pháp sinh trắc học (biometrics). “Trong năm 2016 và 2017, có 129 triệu USD được đầu tư vào các doanh nghiệp fintech Việt - một con số còn khiêm tốn. Theo báo cáo của Solidiance, giá trị của thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và có thể lên đến 7,8 tỷ USD vào năm 2020”, ông Dũng cho hay. 

Dẫn lối thành công

Ứng dụng thanh toán Moca có thể nói là một trong những ý tưởng độc đáo của ngành fintech Việt. Theo giới chuyên gia, CEO Trần Thanh Nam đã tận dụng tốt kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính của mình, vì số đông các fintech khác tại Việt Nam chưa có được lợi thế này. 

Ngoài hỗ trợ tài chính, Chương trình Visa’s Everywhere Initiative còn theo sát hướng dẫn, kèm cặp các start-up phát triển công nghệ tài chính điện tử.

Tại các cuộc thi fintech gần đây như Thử thách fintech Việt Nam hoặc Visa’s Everywhere Initiative, các start-up cho biết, họ rất mong muốn được các định chế tài chính, chuyên gia và nhà đầu tư, hướng dẫn thêm về cách hoạt động và phát triển trong ngành tài chính, để start-up Việt có thể lớn mạnh nhanh hơn và an toàn hơn.  

Cụ thể, tại chương trình khai mạc Cuộc thi Visa’s Everywhere Initiative vừa qua tại TP.HCM, các start-up Việt đã lắng nghe ông Lertad Supadhiloke, người sáng lập, kiêm CEO của start-up Sellsuki tại Thái Lan, chia sẻ về việc Visa đã hỗ trợ start-up này từ vốn lẫn ý tưởng trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường tài chính. Nhờ sự giúp sức của Visa, Sellsuki đã cung cấp sản phẩm thanh toán cho hơn 1.000 nhà bán hàng tại Thái Lan. Vừa qua, Sellsuki chính là start-up chiến thắng Cuộc thi Visa’s Everywhere Initiative Thái Lan. 

“Visa đã cho phép chúng tôi truy cập hệ thống phần mềm của mình, rồi đội ngũ chuyên gia kinh doanh và công nghệ của Visa cũng tích cực hỗ trợ chúng tôi từ việc lên kế hoạch kinh doanh, chiến lược marketing cho đến làm sao để sáng tạo sản phẩm của mình”, vị CEO cho biết.

Sellsuki hiện là trung gian tài chính giúp các nhà bán hàng lọc email và thanh toán qua ngân hàng. Với sự hỗ trợ của Visa, Sellsuki sẽ hợp tác với các start-up tài chính khác, lẫn các định chế tài chính lớn, để phát triển hệ thống thanh toán online tốt nhất cho nhà bán hàng, từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các shop bán hàng online. Các doanh nghiệp lớn cũng nằm trong tầm nhìn dài hạn của start-up này.  

Còn ông Sean Preston, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của Visa cho biết, ngoài hỗ trợ tài chính, Chương trình Visa’s Everywhere Initiative còn theo sát hướng dẫn, kèm cặp các start-up phát triển công nghệ tài chính điện tử. Các start-up trong Chương trình sẽ có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với các định chế tài chính lẫn hệ thống nhà bán hàng tại Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ tận tình của Visa.   

“Có thể nói, Chương trình là cầu nối ban đầu cho các mối quan hệ lâu dài giữa Visa và các start-up tài chính Việt. Các start-up sẽ được truyền thông lẫn giới tài chính quan tâm khi họ được Visa hỗ trợ và tôi tin rằng, điều này “thổi lửa” giúp họ thành công nhanh hơn”, ông Preston chia sẻ. 

Theo ông Preston, giới start-up Việt có nhiều ý tưởng sáng tạo rất độc đáo, nhưng còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế để hiện thực hóa các ý tưởng này. Ngành công nghệ tài chính thay đổi rất nhanh, nên các start-up cần có sự hỗ trợ sát sao từ chuyên gia để có thể theo kịp những thay đổi của thời đại. 

“Đây chính là lý do Visa quyết định triển khai chương trình Visa’s Everywhere Initiative tại Việt Nam trong năm nay. Visa đã có 60 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và đội ngũ chuyên gia kỳ cựu toàn cầu, có thể tư vấn và giúp đỡ các start-up Việt thành công”, ông Preston nói thêm.  

Tương lai tươi sáng

Ngoài việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, doanh nghiệp fintech Việt còn đang háo hức chờ đợi dự thảo luật về ngành công nghệ tài chính, đang được NHNN gấp rút chuẩn bị để trình Thủ tướng. Theo đó, các doanh nghiệp fintech Việt có thể thỏa sức thể hiện ý tưởng và áp dụng công nghệ trong ngành tài chính, dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Dự thảo luật này được kỳ vọng vừa giúp ngành fintech phát triển, vừa giảm thiểu rủi ro cho giới start-up.   

“Chúng ta cần đảm bảo rằng, giới tài chính và các cơ quan quản lý tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển ngành fintech Việt Nam. NHNN đã hỗ trợ nhiều cuộc thi khởi nghiệp fintech lẫn ủng hộ việc ngân hàng và start-up cùng hợp tác”, ông Varun Mittal, Trưởng bộ phận fintech của Ernst & Young ASEAN cho biết.

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Mittal cho hay, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển ngành fintech nhanh chóng, vì diện tích không quá lớn và ngành tài chính chưa quá phức tạp. “Có đến 47% start-up ngành fintech toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, tiềm năng không chỉ dừng ở đó. Theo tôi, các doanh nghiệp fintech hoàn toàn có thể lấn sân sang lĩnh vực tài chính toàn diện, bảo hiểm vi mô và tiết kiệm vi mô”, đại diện Ernst & Young cho biết.

Visa’s Everywhere Initiative là sáng kiến toàn cầu của Visa dành cho các công ty start-up nhằm giải quyết các vấn đề của ngành thanh toán và thương mại, hoàn thiện ý tưởng sản phẩm và đề xuất giải pháp tương lai cho mạng lưới đối tác rộng khắp của Visa.
Đến với cuộc thi lần này, các start-up Việt sẽ lựa chọn đề xuất giải pháp cho một trong ba thách thức sau:
Làm thế nào để tận dụng các nền tảng mạng xã hội và mang đến cho đối tượng trẻ trải nghiệm tài chính/ngân hàng liền mạch, không đứt quãng?
Làm thế nào để mang đến cho khách hàng một phương thức thanh toán số pay-on-delivery (trả khi giao hàng) đáp ứng được nhu cầu vượt trội cả tiền mặt?
Làm thế nào để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán điện tử, tăng cường giá trị lợi ích cho đơn vị bán hàng?
Cuộc thi bắt đầu nhận đề án dự thi từ ngày 24/5/2018 cho đến hết ngày 10/7/2018.
Những đề án xuất sắc nhất sẽ trình bày ý tưởng trước ban giám khảo để giành tổng giải thưởng trị giá 700 triệu đồng.
Để tìm hiểu thông tin và gửi sáng kiến về chương trình, vui lòng truy cập trang web: http://bit.ly/VisaEverywhereInitiativeVietnam
Thống đốc Lê Minh Hưng: Fintech và ngân hàng cùng đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính
Trong hai ngày 29, 30/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Australia phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư