Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thời điểm bùng nổ Fintech Việt
Nhuệ Mẫn - 03/06/2018 08:33
 
Ban Giám khảo Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” (Vietnam Fintech Challenge - FCV) đã lựa chọn 6 đội khởi nghiệp xuất sắc nhất. Chung kết FCV lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra vào ngày 29/5 đã kết thúc, với đội đoạt giải Nhất là Weezi Digital (Việt Nam).

Được biết, FCV là nơi các ứng viên đến từ nhiều quốc gia trình bày các giải pháp nhằm giải quyết một số thách thức trên hành trình phổ cập tài chính ở Việt Nam. Trước phiên Chung kết, 15 ứng viên đã kết nối và làm việc với đối tác là ngân hàng thương mại Việt Nam trong 6 tuần nhằm hoàn thiện các giải pháp. Bên cạnh đó, các ứng viên còn nhận được sự hỗ trợ từ 2 chương trình ươm tạo khởi nghiệp của Việt Nam là Vietnam Silicon Valley và Công ty cổ phần Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA).

.
Chuyên gia Fintech nhận định, hiện là thời điểm bùng nổ Fintech tại Việt Nam.

Câu chuyện này nếu nhìn sang một vài quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Singapore sẽ không thấy nhiều ý nghĩa, nhưng đối với Việt Nam, đây có thể coi là một bước ngoặt trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bởi chính ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam năm 2018 diễn ra sáng ngày 30/5 đã thừa nhận, lĩnh vực Fintech vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, hiện mới có trên 80 công ty Fintech hoạt động với phạm vi hoạt động còn hạn chế…

Chi tiết hơn, chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tổng giá trị các thương vụ đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017 đạt 129 triệu USD. 

Theo số liệu báo cáo của Công ty tư vấn Solidiance, tính hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đạt mức 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, cũng chính công ty tư vấn này dự báo thị trường Fintech Việt Nam sẽ tăng từ 4,4 tỷ USD lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Con số 7,8 tỷ USD được đánh giá không quá khó khăn để cán mốc nếu nhìn vào những số liệu nền tảng. Ví dụ, thông tin được ông Phạm Tiến Dũng cho biết, từ năm 2015, một số ngân hàng đã thí điểm kết hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông để triển khai một số dịch vụ thanh toán tới khu vực vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Theo đó, 2 dịch vụ thí điểm nổi bật là mô hình dịch vụ thanh toán do Vietcombank phối hợp với M_Service triển khai cung ứng và mô hình dịch vụ thanh toán do Ngân hàng MB phối hợp với Viettel cung cấp ra thị trường.

“Sau 2 năm triển khai, các mô hình này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam. Cụ thể, tính đến quý III/2017, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ theo mô hình hợp tác Vietcombank - M_Service là 1.035.138 khách hàng, trong đó có 420.584 khách hàng ở vùng sâu, vùng xa (chiếm 40,6% tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ); còn mô hình hợp tác MB - Viettel có 3.882.596 khách hàng, trong đó có 2.204.016 khách hàng ở vùng sâu, vùng xa (chiếm 57% tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ)”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Triệu Huy, Giám đốc điều hành của The Disruptive Group, chuyên gia Fintech nhận định rằng, hiện là thời điểm bùng nổ Fintech tại Việt Nam.

Đối với Fintech Việt, Thống đốc NHNN nhận định, mặc dù các giải pháp rất sáng tạo và linh hoạt, nhưng doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong triển khai mô hình kinh doanh của mình, do khó huy động vốn, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, sự dè dặt các ngân hàng trong việc hợp tác với các công ty Fintech... 

“Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, đảm bảo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng và có tính hỗ trợ cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Cần xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng và Fintech nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Hưng nói.

Fintech Việt Nam có thể đạt 8 tỷ USD vào năm 2020
Dân số trẻ, sự phổ biến của smartphone, ít người có tài khoản ngân hàng... là những yếu tố sẽ đưa Fintech Việt Nam đạt quy mô 8 tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư