Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công phá thế độc quyền của Bridgestone và Kumho
Anh Hoa - 30/04/2014 14:24
 
Hai con cưng của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Cao su Đà Nẵng và Cao su Miền Nam đầu tư phát triển sản phẩm lốp radial toàn thép nhằm phá thế độc quyền của các đối thủ ngoại tại thị trường Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bridgestone nâng vốn đầu tư lên 1,2 tỷ USD
Casumina nhắm đến thị trường Mỹ

Kỳ vọng dòng lốp radial toàn thép

Một năm sau ngày Cao su Đà Nẵng (DRC) nổ phát súng đầu tiên trên thị trường lốp radial Việt Nam, Cao su Miền Nam (Casumina) cũng vừa đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép Casumina Radial ở Bình Dương, với quy mô hơn hẳn DRC.

  Casumina  
  Casumina tập trung phát triển thị trường lốp radial, với tham vọng trở thành nhà sản xuất săm lốp xe hàng đầu Đông Nam Á  

Dự án Casumina Radial có tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng, được xây dựng theo 3 giai đoạn: giai đoạn I đạt công suất 350.000 lốp xe/năm, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; giai đoạn II (từ nay đến cuối năm 2015) nâng công suất lên 600.000 lốp xe/năm; giai đoạn III (từ cuối năm 2015 đến năm 2017) nâng công suất lên 1 triệu lốp xe/năm.

Theo tính toán của Casumina, khi toàn bộ nhà máy hoàn thành, Công ty sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Thậm chí, Casumina quyết định “buông” các dự án đầu tư ngoài ngành, để tập trung công phá ở thị trường lốp radial, với tham vọng trở thành nhà sản xuất săm lốp xe hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Radial Đà Nẵng của DRC chỉ có vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I đã đi vào hoạt động từ năm 2013 và dự kiến sản lượng năm nay đạt 175.000 lốp. Sản lượng tăng dần theo các năm và đến năm 2018 sẽ đạt công suất 600.000 lốp/năm.

Mặc dù DRC được biết đến với thế mạnh ở dòng lốp bias (sợi mành nylon) và lốp đặc chủng (OTR), nhưng trong tương lai, sự sống còn của công ty này lại nằm ở dòng lốp radial. Do đó, khi vận hành Radial Đà Nẵng, Công ty từng khẳng định, đây là dự án có quy mô lớn nhất trong ngành sản xuất lốp ô tô của Việt Nam, khi hoàn thành, Nhà máy sẽ tạo ra lốp ô tô thay thế cho hàng ngoại nhập. Hiện tại, DRC đã đẩy dòng sản phẩm radial thành dòng sản phẩm tiêu biểu nhất của mình.

Theo Vinachem, việc đầu tư xây dựng các dự án sản xuất lốp radial là một hướng quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp cao su nội địa,  ngành săm lốp Việt Nam trong tương lai, góp phần giảm nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng, cũng như tăng giá trị cho nguyên liệu cao su tự nhiên ở Việt Nam.

Thách thức đối thủ ngoại và bài toán cạnh tranh

Với dân số đã vượt ngưỡng 90 triệu người, Việt Nam ngày càng trở thành thị trường không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản.

Với ưu điểm bền, nhẹ, độ an toàn cao khi chạy xe với tốc độ nhanh và ít sinh nhiệt trên đường, xu hướng “radial hóa” trong sản xuất lốp xe đang lan rộng. Theo số liệu của Casumina, tại Mỹ, Nhật hay Pháp, 100% nhà sản xuất lốp xe đã chuyển hẳn sang sản xuất lốp radial. Tại châu Á, tỷ lệ này cũng khá cao, chẳng hạn, tại Malaysia là 90%, Trung Quốc 50%. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này mới khoảng 10%, nhưng trong 20 năm tới dự kiến đạt 100%.

Trong một thị trường tiềm năng như vậy, các doanh nghiệp trong nước luôn muốn chấm dứt tình trạng độc chiếm thị trường lốp xe radial của những tên tuổi đó.

Và thực tế, điều đó đã bắt đầu được hiện thực hoá, khi tháng 9/2003, Casumina tung ra sản phẩm lốp xe radial bán thép, với chất lượng tương đương lốp ngoại, nhưng giá chỉ bằng 80%. Do đó, việc cả Casumina và DRC cùng nhảy vào sản xuất lốp radial đã tạo thế cho Vinachem thêm hy vọng phá vỡ thế phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, cuộc chiến này có vẻ ngày càng cam go, khi các thương hiệu ngoại cũng không ngừng rót vốn đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Năm 2012, Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam và triển khai Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Bridgestone tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và năng lực sản xuất, tập đoàn này đã rót thêm 573,5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 1,224 tỷ USD.

Nhà máy Sản xuất lốp xe Bridgestone sẽ sản xuất dòng lốp radial cho xe du lịch, dự kiến được hoàn thành trong nửa đầu năm 2016, với công suất sản xuất 24.700 lốp/ngày. Tuy nhiên, Bridgestone quyết định sẽ đẩy mạnh năng lực sản xuất lên 49.000 lốp/ngày vào năm 2017, do nhu cầu thị trường toàn cầu tăng mạnh.

Tiếp theo, năm 2013, Công ty Săm lốp Kumho (thành viên của Tập đoàn Kumho Asiana – Hàn Quốc) cũng rầm rộ lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Kumho dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất lốp tại tỉnh Bình Dương, nâng công suất từ 3,3 triệu lốp/năm lên 5 triệu lốp/năm.

Ông Park Sam-koo, Chủ tịch của Kumho Asiana Group nhận định, Việt Nam là một thị trường mục tiêu quan trọng cho Kumho. Kumho sẽ tăng cường hiện diện tại đây.

Dĩ nhiên, việc Bridgestone và Kumho đầu tư mạnh tay là chuyện của họ và doanh nghiệp trong nước không quá lo.

Theo giới phân tích thị trường, dòng sản phẩm của DRC, Casumina không cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi nước ngoài đó, bởi DRC và Casumina tập trung vào phân khúc lốp xe tải, trong khi các công ty nước ngoài tập trung vào phân khúc lốp xe ô tô con, xe du lịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, vấn đề mà DRC và Casumina phải đối mặt là cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.

Đại diện Công ty Thế giới lốp (Hà Nội), nhà phân phối các thương hiệu lốp xe hàng đầu thế giới tại Việt Nam nhận định, Trung Quốc có năng lực sản xuất lốp radial lớn và đang làm mưa làm gió trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, vướng mắc lớn hiện nay đối với DRC và Casumina là yếu tố kỹ thuật, để làm thế nào sản xuất được các loại lốp cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư