Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 19 tháng 02 năm 2025,
Công ty bán lẻ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao
Vũ Anh - 16/02/2025 09:30
 
Trong bối cảnh tình hình tiêu dùng chưa phục hồi như mong đợi, nhưng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ ở Việt Nam vẫn lập kế hoạch đẩy mạnh thị trường phân phối.
Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới
Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2025 do Hãng phân tích dữ liệu S&P Global (Mỹ) khảo sát đã chỉ ra, niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất khu vực Đông Nam Á hầu như không cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Các lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra thận trọng khi chưa có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong năm 2025, nếu có cũng chỉ dành phần nhỏ ngân sách cho hoạt động này.

Theo S&P Global, công ty càng nhỏ thì càng thận trọng, đã phản ánh mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị.

Rõ ràng, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia đang diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng có thể gây gián đoạn dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ. Lúc này, khi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Á, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường nội khối thông qua đẩy mạnh hội nhập khu vực, bằng cách tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Song, một rào cản luôn hiện hữu là các hộ gia đình châu Á có thói quen tiết kiệm cao, nên các chính phủ cần kích cầu để thúc đẩy tiêu dùng nội khối.

Chuyên gia Ngân hàng HSBC dự báo, năm 2025, Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vai trò trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu qua xuất khẩu linh kiện và công nghệ cao. Với kịch bản này, Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể.

Còn trong báo cáo của PwC, dù bày tỏ lo ngại với một số thách thức, nhưng 55% CEO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được hỏi vẫn kỳ vọng kinh tế toàn cầu cải thiện trong 12 tháng tới, tăng so với mức 40% của năm 2024. Đồng thời lạc quan về tăng trưởng doanh thu, với 34% tự tin về kết quả ngắn hạn và 54% về triển vọng 3 năm.

Trong dòng chảy tâm lý đầy biến động này, một số doanh nghiệp phân phối, bán lẻ ở Việt Nam đã tính kế sẽ đẩy mạnh thị trường phân phối.

Mặc dù lo ngại sức mua trong nước bị tác động bởi biến động quốc tế, nhưng có những tín hiệu từ thị trường khiến các doanh nghiệp trong ngành phân phối, bán lẻ đặt mục tiêu cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của người dân cải thiện bởi các yếu tố như thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm 2% với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025; cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử, xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong năm 2025.

Theo NielsenIQ, năm 2025, tổng mức chi tiêu toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,5% so với năm ngoái, tương đương có thêm 131 triệu người mới bước vào tầng lớp “tiêu dùng”. Trong đó, Việt Nam ghi nhận thêm 3,8 triệu người thuộc tầng lớp này, xếp thứ 5 trên tổng số 17 quốc gia có trên 1 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng trong năm 2025.

Khảo sát của NielsenIQ cũng chỉ ra rằng, xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2025 sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ. Cụ thể, người tiêu dùng có ý định tăng chi tiêu vào các mặt hàng như tiện ích, hàng tạp hóa và đồ gia dụng, đặc biệt là các sản phẩm đồ tươi sống; các sản phẩm bị cắt giảm chi tiêu bao gồm các hoạt động giải trí ngoài nhà, đồ dệt may và sản phẩm công nghệ...

Điều này lý giải vì sao, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cho các chuỗi điện thoại, điện máy và thực phẩm.

Cụ thể, dù không có kế hoạch mở mới cửa hàng trong năm 2025, các chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy xanh vẫn dự kiến tăng trưởng và đóng vai trò trụ cột, góp hơn 60% doanh thu và phần lớn lợi nhuận cho Tập đoàn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) vừa trải qua năm kinh doanh khởi sắc khi đạt doanh thu thuần trong quý IV/2024 gần 5.860 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận quý đạt cao nhất từ đầu năm 2023, lãi ròng tăng trưởng đến 57%, đạt hơn 140 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024.

Dựa trên những kết quả kinh doanh ấn tượng, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2024, Digiworld có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào một năm 2025 rực rỡ.

Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, chuỗi bán lẻ thực phẩm cạnh tranh với chợ truyền thống có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt khi thu nhập cải thiện, thúc đẩy tiêu dùng chất lượng. Mảng bán lẻ dược phẩm cũng tiếp tục tăng trưởng khi Luật Dược mới đã tạo hành lang pháp lý cho các chuỗi dược phẩm phát triển.

Đối với thị trường điện thoại di động, việc triển khai mạng 5G sẽ hướng đến mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối, đồng nghĩa với nhu cầu đổi mới các sản phẩm điện tử sang phân khúc hiện đại, công nghệ cao sẽ trở nên cấp thiết. Còn thị trường máy tính, với xu hướng tích hợp AI sẽ thúc đẩy nhu cầu thay mới máy tính và là động lực tăng trưởng cho thị trường này. Dự báo, 70% số lượng máy tính được phân phối sẽ tích hợp AI vào năm 2028.

Doanh nghiệp bán lẻ chờ “thoát đáy” lợi nhuận
Các doanh nghiệp bán lẻ, bán sỉ dùng nhiều chiêu kích cầu tiêu dùng với kỳ vọng sẽ “thoát đáy” lợi nhuận cuối năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư