Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Công ty chứng khoán biến động không ngừng
 
Trong thời gian vừa qua, dòng vốn từ nước ngoài chảy mạnh vào nhóm công ty chứng khoán, cũng như những thương vụ M&A nội khối… đã thay đổi diện mạo của doanh nghiệp ngành này. Kể từ đầu năm tới nay, những chuyển động mới vẫn chưa dừng lại.

Hanwha thâu tóm HFT

Từ cuối năm 2018, Công ty cổ phần Chứng khoán HFT - tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Mekong đã dọn đường sớm cho Hanwha Investment (Hàn Quốc) bước vào doanh nghiệp khi có tờ trình về việc nới tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài (room ngoại) lên 100%. Ðồng thời, HFT trình nội dung việc rút khỏi danh sách công ty đại chúng, rút lưu ký chứng khoán và huỷ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Nguyên nhân là do nhu cầu hợp tác phát triển của Công ty và số lượng cổ đông thay đổi, giảm xuống dưới 100 cổ đông, hoặc thay đổi loại hình doanh nghiệp.

HFT là doanh nghiệp quy mô nhỏ, với tổng tài sản cuối năm 2018 đạt 88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng.

Cuối tháng 2/2019, Hội đồng quản trị HFT thông qua việc lựa chọn Hanwha Investment and Securities Co., Ltd là đối tác nước ngoài được mua trên 25% vốn điều lệ của HFT từ các cổ đông hiện hữu, mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Theo thoả thuận, Hanwha nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật sẽ được mua 90,05% vốn điều lệ của HFT.

Ðược biết, Hanwha là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như năng lượng mặt trời, hàng không vũ trụ, máy móc, tài chính... Hanwha Investment and Securities Co., Ltd là thành viên trong Tập đoàn, cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản bao gồm: môi giới và mua lại cổ phiếu, trái phiếu cùng các công cụ phái sinh, các dịch vụ quản lý tài sản và bán hàng cho các sản phẩm tài chính. Trong tháng 8/2018, Hanwha Investment & Securities đã đầu tư 400 triệu USD vào Tập đoàn Vingroup. Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life cũng đã có mặt ở Việt Nam 10 năm qua.

Theo DealStreetAsia, đầu tháng 5/2019, Hanwha Investment & Securities đã hoàn tất thương vụ thâu tóm 90,05% cổ phần HFT, giá trị 5 tỷ won (tương đương 4,3 triệu USD).

Nhìn lại lịch sử giao dịch có thể thấy, trong phiên giao dịch ngày 24/4, tại mã HFT xuất hiện lệnh mua thoả thuận lớn hơn 9 triệu cổ phiếu (tương ứng 90,05% lượng cổ phiếu lưu hành) từ khối ngoại. Giá tham chiếu 12.800 đồng/cổ phiếu. Bên mua được là Hanwha, còn bên bán là Công ty cổ phần Logistics Con đường xanh, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Con đường xanh và 6 cá nhân khác.

Hanwha Investment & Securities cho biết, thông qua vụ thâu tóm, họ sẽ xây dựng một nền tảng dịch vụ tài chính trực tuyến để trở thành công ty chứng khoán chuyên về kỹ thuật số hàng đầu tại Việt Nam.

"Công ty sẽ tìm động lực tăng trưởng mới bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam", Kwon Hee-baek, CEO Hanwha Investment & Securities chia sẻ. 

Chứng khoán Phương Ðông (ORS) đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong

Thay đổi lớn nhất của ORS trong năm 2018 chính là có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới - ông Trần Sơn Hải. Bước sang năm 2019, Công ty tiếp tục có sự chuyển mình khi tăng vốn thành công lên 400 tỷ đồng và tiến hành đổi tên, đổi logo. Cụ thể, ORS đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thêm 160 tỷ đồng từ việc phát hành riêng lẻ cho 2 cổ đông cá nhân là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Việc phát hành giúp ORS cải thiện tình trạng tài chính do trích lập dự phòng cho khoản phải thu từ kết quả xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Ðáng chú ý, sau khi tăng vốn, Công ty đã nhận được giấy phép từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (ngày 18/4/2019) về việc điều chỉnh giấy phép thành lập, đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Ngay sau đó, ORS thay đổi logo mang nét đặc trưng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đồng thời bầu ông Nguyễn Anh Tú, thành viên Hội đồng quản trị ORS giữ chức danh Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ORS nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Tú hiện cũng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank. Với những diễn biến trên, không ít ý kiến dự đoán, ORS đã có ông chủ mới và về cùng một nhà với TPBank.

Với các thành viên thị trường, mối quan hệ giữa ORS và TPBank không phải xa lạ, nhất là khi cả 2 doanh nghiệp cùng chịu ảnh hưởng từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Trong năm 2018, ORS đã xử lý khoản phải trả TPBank sau khi thoả thuận với Công ty cổ phần Mua bán nợ Thế hệ mới. Cụ thể, TPBank đã bán khoản phải trả 380 tỷ đồng (liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như) cho Thế hệ mới.

Năm 2018, ORS có doanh thu thuần 396 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 19 tỷ đồng năm 2018, nguyên nhân chính là thu nhập từ việc được chủ nợ giảm nợ 375 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế âm 10,7 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 31/12/2018 của Công ty là là 233,12 tỷ đồng.

Theo ORS, do quy mô vốn nhỏ, lỗ luỹ kế từ hoạt động kinh doanh cao và nghiệp vụ kinh doanh bị hạn chế nên trong giai đoạn 2018 - 2021, Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ (dự kiến tiếp tục phát hành riêng lẻ 100 tỷ đồng trong năm 2019), mở rộng mạng lưới hoạt động, phấn đấu lọt Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất.

Riêng năm 2019, ORS sẽ tái cấu trúc toàn diện, tiếp tục thực hiện thanh toán và hoán đổi các khoản đầu tư dài hạn để nâng cao lượng tiền mặt. Công ty đặt kế hoạch doanh thu hoạt động 80 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50,94 tỷ đồng.

SBS “lỡ duyên” với HVS

Trước Ðại hội đồng cổ đông 2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã có tờ trình phát hành cổ phiếu để hoán đổi nhưng nội dung chi tiết về việc hợp nhất cùng Công ty Chứng khoán HVS chưa được công bố, mục tiêu là để xoá lỗ luỹ kế và trở lại hoạt động bình thường. Vậy nhưng, các thành viên thị trường bất ngờ khi ngay trước thềm Ðại hội đồng cổ đông, HÐQT SBS đã rút tờ trình sáp nhập vào phút cuối.

Ban lãnh đạo Công ty bày tỏ trăn trở khi phương án hợp nhất, cũng như đề án tái cấu trúc toàn diện chưa thể thực hiện. Theo chia sẻ của SBS, Công ty cần tìm tiến trình tái cấu trúc phù hợp để xóa lỗ lũy kế. Do đó, doanh nghiệp đã thảo luận nhiều đề án, đặt mục tiêu bổ sung năng lực tài chính, tiến tới hoạt động đầy đủ các dịch vụ kinh doanh chứng khoán mà quy định cho phép. HÐQT cũng đã làm việc với nhiều đối tác, xây dựng một số phương án khác nhau…

Dù vậy, HÐQT Công ty vẫn chưa đủ tự tin trình phương án ra Ðại hội vì lý do cơ bản là không đảm bảo được quyền lợi cổ đông SBS. Chưa kể, việc đàm phán với công ty chứng khoán đối tác còn vướng mắc ở tỷ lệ hoán đổi, xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như việc tăng vốn.

Với các lý do trên, “việc chung đôi” giữa SBS và HVS chưa được thực hiện. Ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch HÐQT SBS cho biết, chương trình tái cấu trúc toàn diện, tìm kiếm khả năng, nội dung đàm phán phù hợp nhằm xóa lỗ lũy kế sẽ tiếp tục được tiến hành. Còn hiện tại, SBS và HVS vẫn là hai doanh nghiệp tách biệt về mặt tài chính, hai bên chỉ đang thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất về mặt kỹ thuật.

Bên cạnh đó, SBS đã tính đến việc trình phương án giảm vốn điều lệ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giải quyết vấn đề lỗ lũy kế.

Bình chọn thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam 2018 - 2019

 Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam, Ban tổ chức (Diễn đàn M&A Việt Nam và Báo Đầu tư) triển khai chương trình Bình chọn và Trao giải Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam 2018 - 2019. Chương trình bình chọn nhằm tôn vinh những thương vụ M&A tiêu biểu và những người đem lại thành công cho thương vụ, đồng thời giúp các doanh nghiệp, giới đầu tư đánh giá và nhìn lại sự phát triển của thị trường mua bán - sáp nhập tại Việt Nam. Đây là một hoạt động thường niên uy tín được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao, với sự tham gia đánh giá độc lập của các chuyên gia uy tín Việt Nam và quốc tế.

Chương trình bình chọn năm nay bao gồm các hạng mục: Thương vụ tiêu biểu 2018 - 2019 (mua lại, hợp nhất, phát hành riêng lẻ, hợp tác đầu tư, IPO), Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019 (công ty chứng khoán, công ty luật, tổ chức tư vấn), Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu. Các thương vụ được xem xét đã được công bố hoặc thực hiện trong thời gian từ 1/1/2018 - 20/5/2019.

Thời gian thực hiện:
15/4/2019: Công bố chương trình bình chọn.
16/4 - 15/6/2019: Chốt danh sách đề cử, hoàn tất đánh giá của Ban giám khảo.
30/6/2019: Công bố Danh sách Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019.
6/8/2019: Lễ trao Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu nhất.

Công ty chứng khoán đua giảm phí, nhà đầu tư hưởng lợi
Việc bỏ quy định về mức sàn phí giao dịch chứng khoán từ ngày 15/2/2019 được nhìn nhận sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh về phí mạnh mẽ trong khối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư