Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Công ty chứng khoán lo hết mùa "gặt hái"?
 
Thanh khoản tăng mạnh tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán (CTCK) đạt doanh thu và lợi nhuận lớn thời gian qua. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường tuần vừa qua đã phát đi tín hiệu "cần thận trọng".
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong năm 2017 giúp nhiều công ty chứng khoán thắng lớn
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong năm 2017 giúp nhiều công ty chứng khoán thắng lớn

Năm 2017, giá trị giao dịch thị trường rất tích cực, đạt bình quân khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, những ngày đầu năm 2018, thanh khoản liên tục tăng mạnh, thậm chí có phiên giá trị đạt tới hơn 14.000 tỷ đồng.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt bình quân hơn 9.000 tỷ đồng/phiên. Điều này rất có lợi cho các công ty dịch vụ tài chính nói chung và CTCK nói riêng. Trong đó, hai mảng hoạt động nổi trội của CTCK là môi giới và cho vay ký quỹ được hưởng lợi lớn nhất.

Cụ thể, thanh khoản gia tăng, tức là nhà đầu tư giao dịch càng nhiều, phí môi giới của CTCK theo đó càng tăng. Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng, nhiều cổ phiếu tăng mạnh, nhà đầu tư cũng “hăng say” sử dụng đòn bẩy hơn nhằm gia tăng lợi nhuận, nhờ đó mà nguồn thu từ cho vay ký quỹ cũng gia tăng.

Với hoạt động tự doanh, các CTCK thường được coi là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các quyết định đầu tư đều có chiến lược rõ ràng, nhưng vẫn không thể loạt bỏ hết rủi ro từ TTCK. Bởi vậy, theo nhiều cảnh báo, nhà đầu tư nên thận trọng với những CTCK tập trung cho tự doanh quá nhiều, vì trên thực tế, không ít CTCK ghi nhận lỗ từ hoạt động này.

Với hoạt động IB (ngân hàng đầu tư), khi thị trường tăng trưởng, thanh khoản tốt, thì cũng là lúc các doanh nghiệp tranh thủ tiến hành IPO, thoái vốn nhà nước, niêm yết mới cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu... Đây là nguồn việc khổng lồ cho các CTCK.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2018 sẽ vẫn là năm “được mùa” đối với các CTCK khi các động lực tăng trưởng từ năm 2017 tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, sự bùng nổ sẽ khó có được và sự thận trọng là không thừa.

CTCK TP.HCM (HSC) dự kiến giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2018 ở mức 8.000 tỷ đồng/phiên, tăng 60% so với mức trung bình năm 2017. Theo đó, HSC lên kế hoạch doanh thu đạt 2.110 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu từ phí môi giới là 912 tỷ đồng, tăng 51% (năm 2017 là 602 tỷ đồng).

Thận trọng hơn, CTCK Rồng Việt (VDS) xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên dự báo thanh khoản thị trường đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/ngày. Ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh môi giới VDS cho biết, năm 2018, VDS dự kiến đạt 469 tỷ đồng doanh thu và 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 28% và 23% so với năm 2017. Riêng quý I/2018, VDS ước lãi trước thuế 60 tỷ đồng, gần bằng 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đại hội đồng cổ đông 2018 của CTCK Bản Việt (VCI) ngày 17/4 vừa qua đã thông qua kế hoạch doanh thu đạt 1.715 tỷ đồng, tăng trưởng 12% và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.011 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI cho biết: "Kế hoạch kinh doanh 2018 của VCI sẽ hoàn thành nếu thị trường vẫn thuận lợi như hiện nay. Trong trường hợp xấu nhất khi chỉ số VN-Index giảm xuống mức 500 điểm, VCI vẫn ghi nhận lãi 250 tỷ đồng. Còn khi VN-Index vượt trên 1.500 điểm, lợi nhuận sẽ vượt mức 1.000 tỷ đồng".

Ngày 20/4 tới đây, CTCK MB (MBS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông để trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng, tăng đột biến 562% so với thực hiện năm 2017. Kế hoạch này dựa trên dự báo về giá trị giao dịch trung bình của TTCK là 6.000 tỷ đồng/phiên.

Theo MBS, việc gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường (thông qua IPO, thoái vốn, niêm yết...) sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc mở room ngoại và có thêm các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo (CW) giúp nhà đầu tư có cái nhìn tốt hơn về thị TTCK Việt Nam.

Không đưa ra con số dự báo cụ thể về thị trường, nhưng CTCK Sài Gòn (SSI) đặt kế hoạch doanh thu 3.410 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.615 tỷ đồng trong năm 2018, cùng tăng 15% so với năm 2017 (bao gồm lợi nhuận từ công ty liên kết).

Hiện tại, sau thời gian dài tăng điểm, TTCK Việt Nam đang chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản trung bình giảm về 5.000 tỷ đồng/phiên.

Theo phó giám đốc một CTCK, thị trường đang ở vùng “nhiễu” khi chịu tác động của nhiều thông tin như việc tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng tại Syria… Khi những thông tin này qua đi, TTCK thế giới cũng như Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục.

Công ty chứng khoán cạnh tranh, nhà đầu tư hưởng lợi
Quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán tăng cao khiến mức độ cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong việc thu hút khách hàng ngày càng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư