Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 08 năm 2024,
Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH: Vốn mỏng, nhưng tham vọng lớn
Duy Bắc - 01/08/2024 10:04
 
Hiệu quả sử dụng tài sản suy giảm và lợi nhuận chững lại, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã TNH) đang tìm động lực tăng trưởng mới, thông qua việc mở rộng chuỗi bệnh viện sang các tỉnh lân cận và các thành phố lớn trong cả nước.

Lượng tiền mặt hạn chế, trong khi nhu cầu vốn lớn

Từ một bệnh viện tại tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH liên tục mở rộng đầu tư bệnh viện ở các tỉnh lân cận và tham vọng trở thành một công ty quy mô khi sở hữu chuỗi bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH chia sẻ tham vọng nâng công suất lên khoảng 2.000 đến 2.500 giường bệnh (hiện tại là 600 giường) trong hệ thống trước năm 2030, khi hướng tới các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… với mục tiêu 10 bệnh viện, đồng thời cũng đặt mục tiêu tăng doanh thu thông qua các dịch vụ cao cấp hơn tại bệnh viện như tiêm chủng và mở phòng khám mới.

Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH đã hoàn thiện và chuẩn bị đưa Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên tại tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn và đẩy mạnh triển khai một số dự án khác gồm: góp vốn liên kết xây dựng dự án bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội); triển khai đầu tư thực hiện Dự án Bệnh viện đa khoa chuyên sâu về Ung bướu - TNH tại Đà Nẵng.

Được biết, Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên vừa điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 135,1 tỷ đồng, lên 752,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được Công ty chia sẻ là do giá nguyên liệu, vật liệu, nhân công và các chi phí khác có biến động tăng; tăng vốn đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thêm 145,44 tỷ đồng, lên 803,24 tỷ đồng và giảm quy mô Dự án Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên) từ 300 giường về 200 giường. Trong đó, giai đoạn I đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 150 giường và sẽ giảm quy mô giai đoạn II để phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Các bệnh viện đều được xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất tốt, nhân sự có chuyên môn cao. Khi Bệnh viện TNH Hà Nội đi vào hoạt động, thì đã có nền tảng từ 5 bệnh viện khác đã hoạt động. Các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống”, ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2024 về chiến lược phát triển và đảm bảo nguồn lực mở rộng chuỗi bệnh viện.

Với nhu cầu vốn đầu tư lớn, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH nhiều khả năng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn bằng việc tăng vốn hoặc tăng vay nợ.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH cần khoảng 4.363 tỷ đồng cho việc đầu tư, mở rộng 6 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.

Thực tế, tại thời điểm 31/3/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH chỉ sở hữu 81,7 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 442,9 tỷ đồng, bằng 26,6% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó, tài sản chủ yếu 978,5 tỷ đồng tài sản cố định xây dựng bệnh viện hiện hữu và 543,3 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (487,1 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện TNH Việt Yên với quy mô 300 giường, 51,3 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô 300 giường, và 4,9 tỷ đồng xây dựng dự án khác).

Với nhu cầu vốn đầu tư lên tới khoảng 4.363 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt chỉ còn 81,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH nhiều khả năng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm tăng vốn hoặc tăng vay nợ để đáp ứng nhu cầu.

SSI Research dự báo, chi phí vận hành/đầu tư của 2 bệnh viện mới là Bệnh viện TNH Việt Yên và Bệnh viện TNH Lạng Sơn có thể khiến biên lợi nhuận ròng giữ ở mức thấp trong năm 2025, đồng thời doanh thu trong tương lai có thể chậm do quá trình đăng ký bệnh viện tốn nhiều thời gian, cũng như Công ty đã giảm quy mô kế hoạch mở rộng Bệnh viện TNH Yên Bình để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Lợi nhuận đang chững lại

Mặc dù có tham vọng lớn trong việc mở rộng chuỗi bệnh viện, song lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, lợi nhuận đạt đỉnh năm 2021 là 142,7 tỷ đồng, nhưng sau đó liên tục giảm, năm 2022 còn 140,6 tỷ đồng và năm 2023 tiếp tục giảm về 139,2 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn 2021 - 2023, hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đã giảm mạnh từ 11,68%, về chỉ còn 7,9%.

Đặc biệt, trong quý I/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH ghi nhận doanh thu giảm 12,9%, về 92,48 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 39,1%, về 14,9 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 41,6%, về 29,3%.

Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH tiền thân là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên - một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Thái Nguyên, được thành lập năm 2013, với quy mô ban đầu 150 giường, sau này mở rộng lên 2 bệnh viện với tổng công suất 600 giường và hơn 1.300 dịch vụ y tế.

Có thể thấy, hiệu quả sử dụng tài sản đang suy giảm, lợi nhuận chững lại và nguồn tiền mặt hạn chế, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH vẫn phát đi tham vọng lớn khi đẩy mạnh đầu tư mở rộng bệnh viện trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư