Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty Đèo Cả làm đúng chỉ đạo của Chính phủ
Hoàng Thủy - 03/07/2013 13:45
 
Để dư luận hiểu rõ việc tổ chức thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, cũng như nắm rõ chủ trương hình thành các trạm thu phí theo phương án đầu tư xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT) đã được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tải đồng ý, CTCP Đầu tư Đèo Cả đã có Báo cáo số 212/2013/ĐC ngày 1/7/2013 về tình hình thu phí tại các trạm này gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các cơ quan thông tin đại chúng.
TIN LIÊN QUAN

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Đèo Cả cho biết, để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện Dự án (do CTCP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 16.503 tỷ đồng), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế để thực hiện tại Văn bản số 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012, trong đó có việc bàn giao hai trạm thu phí Bàn Thạch (Km 1350+150 Quốc lộ 1) và Ninh An (Km 1408+200 Quốc lộ 1) cho nhà đầu tư để hoàn vốn.

Trạm thu phí Bàn Thạch tại Km 1.350+150 Quốc lộ 1. Ảnh: H.T

Theo ông Hoàng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thống nhất chuyển giao trạm thu phí cho nhà đầu tư (tại Hợp đồng Dự án số 26/HĐXD-DEOCA giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư ngày 8/11/2012 và Giấy chứng nhận đầu tư số 47/BKHĐT-GCNĐTTN ngày 24/10/2012).

Cụ thể, ngày 21/6/2012, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1437/QĐ-BGTVT về việc chuyển giao nguyên trạng Trạm thu phí Ninh An cho nhà đầu tư từ ngày 1/7/2012 (theo quy định tại Hợp đồng Dự án, mức thu phí bằng 1,5 lần mức phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC).

Được biết, trước khi chuyển giao, trạm Ninh An là trạm thu ngân sách do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) quản lý và cơ quan quản lý trực tiếp là Công ty TNHH một thành viên Sửa chữa đường bộ Khánh Hòa.

Trong khi đó, trạm Bàn Thạch (Km 1350+150 Quốc lộ 1), trước khi chuyển giao, do Công ty cổ phần Việt Long quản lý và thu phí (thu phí đến hết năm 2014).

Được sự cho phép của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ tại Văn bản số 7083/BGTVT-TC ngày 27/8/2012 và 3541/TCĐBVN-TC ngày 7/9/2012, nhà đầu tư đã ký Hợp đồng số 01/HĐCG-2012 ngày 7/9/2012 mua lại quyền thu phí từ Công ty Việt Long từ ngày 1/8/2012 đến hết năm 2014, với số tiền 118 tỷ đồng.

Sau khi hết hạn hợp đồng với Việt Long, nhà đầu tư tiếp tục được thu phí thêm 31 năm kể từ ngày 1/1/2015 theo Văn bản số 6427/BGTVT-QLXD ngày 7/8/2012 của Bộ GTVT và theo Hợp đồng Dự án BOT và BT hầm Đèo Cả, với mức thu phí bằng 1,5 lần mức phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC.

Về tình hình quản lý và thu phí tại các trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch, ông Hoàng cho biết, hiện tại, nhà đầu tư vẫn chưa tăng phí sử dụng đường bộ lên mức 1,5 lần theo như Điều 57.5 Hợp đồng dự án, mà vẫn duy trì mức như trước khi tiếp nhận trạm.

Mặt khác, tại Thông báo số 155/TB-BGTVT ngày 19/3/2013 của Bộ GTVT về việc xác định Trạm thu phí Ninh An sẽ dùng hoàn vốn cho Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ hầm đèo Cả đến Km 1.445 tỉnh Khánh Hòa (nhà đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này).

Theo đó, mức phí sử dụng đường bộ tại trạm Bàn Thạch và Ninh An tăng 3,5 lần từ năm 2016. Để đảm bảo khoảng cách giữa các trạm thu phí theo quy định, Bộ GTVT sẽ dịch chuyển trạm Bàn Thạch về phía Nam thị xã Sông Cầu và trạm Ninh An sẽ dịch chuyển về Km 1.424 khi trạm BOT hầm đèo Cả đi vào hoạt động. Việc bố trí, dịch chuyển các trạm thu phí nhà đầu tư sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GTVT.

Trong lúc chờ đợi việc thu xếp nguồn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài và nguồn ngân sách nhà nước, để đảm bảo sự liên tục của Dự án, nhà đầu tư đã huy động hơn 400 tỷ đồng cho giai đoạn chuẩn bị dự án.

“Theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, chi phí lập dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chi trả, tuy nhiên, nhà đầu tư đã ứng ra hơn 400 tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ra, CTCP Đèo Cả còn phải mua lại quyền thu phí trạm Bàn Thạch với chi phí là 118 tỷ đồng để làm tài sản đảm bảo vay vốn. Tính từ khi tiếp quản đến nay, Công ty đã thu được 78 tỷ đồng từ nguồn thu phí. Con số này chưa bù đủ phần vốn mà nhà đầu tư đã ứng trước”, ông Hoàng lý giải.

Liên quan đến tính pháp lý của các trạm thu phí trên, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng khẳng định, việc bàn giao các trạm thu phí trên cho CTCP Đèo Cả là theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Việc này nhằm mục đích hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi hơn, chủ động trong việc thu xếp nguồn vốn, nhất là có cơ sở để thế chấp vay vốn các tổ chức tín dụng.

“Đối với các dự án triển khai theo hình thức BOT và BT, thì hình thức thu phí đã được quy định. Nhà đầu tư tiếp nhận các trạm thu phí đã có sẵn là theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, chứ không thể tự ý triển khai trạm thu phí được”, ông Trúc phân tích.

Được biết, hiện tại công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án đang gặp khó khăn, do địa phương chưa bố trí được ngân sách để xây dựng khu tái định cư. Tại cuộc họp gần đây, lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã thống nhất để nhà đầu tư đứng ra vay vốn để xây dựng khu tái định cư và sẽ được địa phương hoàn trả sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư