Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Covid-19 và lạm phát
Hà Nguyễn - 20/05/2021 09:23
 
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021, Ngân hàng Thế giới chính thức cảnh báo, đợt dịch Covid-19 thứ 4 có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Các chuyên gia của WB đã lưu ý Việt Nam rằng, đợt dịch thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, nhất là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ.

Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khi số ca dương tính của đợt dịch này đã cao nhất trong tất cả các đợt dịch tại Việt Nam kể từ năm ngoái tới nay. Đặc biệt, lần này, dịch bệnh đã “đánh” thẳng vào một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, khiến sản xuất bị đình trệ. Không chỉ vậy, nhìn cảnh sân bay vắng bóng người, hàng quán đóng cửa… cũng đủ thấy tác động là không nhỏ.

Chính các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã lưu ý Việt Nam rằng, đợt dịch thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, nhất là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ. Thực tế cũng không thể loại trừ các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu khi nhiều công ty lớn trong các khu công nghiệp, như Canon, có số lượng ca mắc Covid -19 tăng.

Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó của Chính phủ.

Thực tế, Chính phủ đang tiếp tục đi đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19.

Điều đó dấy lên hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.

Nhìn sang các nước xung quanh, có thể thấy, làn sóng Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn khi kinh tế Thái Lan suy giảm 2,6% trong quý đầu tiên của năm 2021 sau khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng lên từ giữa tháng 12/2020 và kéo dài đến đầu tháng 2/2021. Kinh tế Philippines suy giảm 4,2%, Indonesia giảm 0,7%, Malaysia giảm 0,5%. Tất cả các quốc gia này vừa trải qua đợt bùng phát Covid-19, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế trong quý đầu năm.

Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 4,48% trong quý I/2021 và như vậy, so với các nước xung quanh là tích cực. Tuy quý I năm nay, Việt Nam cũng có đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 1, song được kiểm soát nhanh chóng và mức độ ảnh hưởng không lớn.

Tuy vậy, WB cũng nhận định, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Các khuyến nghị đã được định chế tài chính này đưa ra, rằng nếu duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, thì Chính phủ Việt Nam cần xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Không chỉ là nỗi lo tác động tới tăng trưởng kinh tế, mà đợt dịch này còn có thể ảnh hưởng tới cả chuyện kiểm soát lạm phát ở Việt Nam, cho dù vào thời điểm cuối tháng 4/2021, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng chỉ tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2021.

Hiện giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào, như sắt thép, xi măng tăng cao. Học phí các trường đại học cũng đang được điều chỉnh. Đó là chưa kể, sức nóng của thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường.

Sự hồi phục của kinh tế toàn cầu cũng được cho là sẽ tác động tới giá cả thị trường, tới lạm phát của Việt Nam. Lạm phát của Mỹ đang tăng vọt (CPI  tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008), khiến các nền kinh tế châu Á không khỏi lo ngại. Giới chuyên gia thậm chí đã nhắc đến cụm từ “bóng ma” lạm phát ở Mỹ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các địa phương đề nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đây là động thái cần thiết và quan trọng. Nhưng muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề, có lẽ vẫn phải bắt đầu từ việc phải kiểm soát tốt Covid -19, để vừa duy trì đà tăng trưởng, vừa tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Cảnh báo tiếp về rủi ro lạm phát
Dù hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, song nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn có thể xảy ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư