Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Covid-19 và làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương
Thanh Thủy - 18/03/2020 16:44
 
Trong khi thị trường tài chính toàn cầu liên tiếp chứng kiến những kỷ lục bán tháo, các ngân hàng trung ương cũng đang căng mình với các chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ trong hơn một tháng rưỡi qua, 42 ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất với mức giảm tổng cộng tới 36,53 điểm phần trăm.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 16/3 đã công bố một bản danh sách các chính sách tiền tệ, tài khoá, cùng các biện pháp điều hành khác được cho là mẫu mực ở thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên Corona.

Trong một loạt chính sách này, ngân hàng trung ương - tổ chức đảm nhận vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được yêu cầu phải hỗ trợ nhu cầu và niềm tin của thị trường. Cụ thể, bằng cách ngưng thắt chặt các điều kiện tài chính, giảm chi phí vay cho các hộ gia đình và các công ty và đảm bảo thanh khoản thị trường.

Thực tế, các ngân hàng trung ương đã hành động từ rất sớm. Dù không phải công cụ duy nhất để đạt được những khuyến nghị mà IMF nêu trên, động thái hạ lãi suất đã được thực hiện tại nhiều quốc gia. Thái Lan là một trong các quốc gia đầu tiên cắt giảm lãi suất điều hành ngay từ ngày 5/2 – khoảng một tuần sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán và khi chủng virus mới chỉ tập trung lây lan tại Trung Quốc. Quốc gia này đã hạ lãi suất từ 1,25% xuống còn 1% - mức thấp kỷ lục do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành du lịch cùng yếu tố khác gồm hạn hán và ngân sách chính phủ bị đình trệ.

Danh sách các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nới lỏng thông qua động thái hạ lãi suất đã đều đặn dài thêm. Đến nay, khi dịch bệnh đã lan rộng tới 156 quốc gia với gần 199.000 ca nhiễm, 39 ngân hàng trung ương đã quyết định hạ lãi suất, có những nơi hạ tới 2 lần trong chưa đầy 2 tháng.

Một số cuộc họp đã lên lịch định kỳ, nhưng cũng có những quyết định được đưa ra khẩn cấp mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một ví dụ điển hình. Trong khi, phải tới rạng sáng mai (ngày 18/3 theo giờ Mỹ) mới là thời điểm kết thúc cuộc họp lãi suất theo lịch trình thông thường nhưng Fed đã hạ lãi suất tới 2 lần vào các ngày 3/3 và 13/3. Khung lãi suất đã giảm rất nhanh từ 1,75-2% về 0-0,5% chỉ sau 2 lần trong vỏn vẹn 10 ngày. Giai đoạn năm 2008-2009, Fed đã dành tới 3 lần điều chỉnh kéo dài trong 4 tháng  để thực hiện cú giảm tương tự.

Cũng giống Mỹ, ngân hàng trung ương Qatar, Kuwait, Saudi Arabia, Canada, Hồng Kông và Macao cũng có tới hai lần giảm lãi suất. Ai Cập chỉ giảm lãi suất một lần nhưng cũng mạnh tay cắt tới 3 điểm phần trăm, đưa  lãi suất tiền gửi qua đêm, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất chiết khấu lần lượt là 9,25%, 10,25% và 9,75%. Việc cắt giảm lãi suất được thực hiện tại cuộc họp đột xuất của ủy ban chính sách tiền tệ, sau 6 lần hạ lãi suất liên tục với tổng cộng 6,5 điểm phần trăm kể từ tháng 2/2018.

.
.Tăng giảm lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới một năm qua - Đvi: điểm phần trăm, Nguồn: CBN

Thống kê các lần điều chỉnh của 42 ngân hàng trung ương, chỉ tính riêng trong một tháng rưỡi qua, ngoài 3 quốc gia nâng lãi suất (Séc, Kazakhstan và Kyrgyzstan), gần 40 ngân hàng trung ương đã  giảm tổng cộng 36,53 điểm phần trăm.  

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ngân hàng trung ương gần nhất có động thái hạ lãi suất trải rộng ở nhiều loại lãi suất. Trong đó, riêng với cặp lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn, NHNN đã giảm lần lượt 0,5 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm, đưa cặp lãi suất này về mức 3,5% - 5%.

Phần lớn các ngân hàng trung ương đều có mức điều chỉnh hơn 0,5 điểm phần trăm. Khoảng 10 ngân hàng trung ương hạ lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm. Trung Quốc – nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 điều chỉnh lãi suất khá khiêm tốn với mức giảm 0,1 điểm phần trăm. PBoC đã điều chỉnh lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (LPR) giảm từ mức 4,15% xuống 4,05%. Lãi suất cho vay trung hạn (MFL) trị giá 200 tỷ NDT (tương đương 28,6 tỷ USD) thời hạn 1 năm từ 3,25% xuống 3,15%. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc gia này từng cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ sớm có thêm động thái nới lỏng, bao gồm giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc (RRR) mà mỗi ngân hàng cần có.

Mỗi quyết định lãi suất mà các ngân hàng trung ương đưa ra đều cần cân nhắc, dựa trên bối cảnh lạm phát, cùng tính toán về cân đối mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Hạn chế ảnh hưởng từ đại dịch hiện là ưu tiên hàng đầu nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu khác. Như quyết định giảm sâu tới 3 điểm phần trăm của ngân hàng trung ương Ai Cập mới đây cũng khiến giới chuyên gia lo ngại về tác động tiêu cực đến các khoản chứng khoán nợ nước ngoài. 

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 hạ lãi suất từ tháng 2/2020 đến thời điểm hiện tại, bên cạnh Thái Lan (-0,25%), Phillipines (-0,25%), Indonesia (-0,25%), Malaysia (-0,25%). Cùng với lần hạ lãi suất hồi tháng 1, Malaysia hiện cũng đã giảm lãi suất điều hành xuống 0,5 điểm phần trăm so với đầu năm.

Fed có sai khi giảm lãi suất về 0%?
Ngày 16/3, thị trường thế giới lại chứng kiến một ngày thứ Hai sụp đổ nữa (Crash Monday). Nhiều người cho rằng, thị trường sụt giảm chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư