Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
CPI tăng - lơ lửng nỗi lo tái lạm phát
Hà Nguyễn - 26/09/2013 07:37
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2013 tăng tới 1,06% so với tháng trước, khiến nỗi lo tái lạm phát ở mức cao lại lơ lửng, đòi hỏi tiếp tục điều hành giá cả một cách thận trọng trong 3 tháng cuối năm. >>> Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 1,06% >>> Chỉ nên tăng giá khi CPI bớt căng thẳng >>> Không lơ là với lạm phát

Điều dễ nhận thấy là, CPI tháng 9 tăng cao chủ yếu do tình hình mưa bão liên tục, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau quả cung cấp cho các thành phố lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 9/2013 tăng 0,65% so với tháng 8 trước đó.

Nỗi lo tái lạm phát ở mức cao lại lơ lửng, đòi hỏi tiếp tục điều hành giá cả một cách thận trọng trong 3 tháng cuối năm

Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn tới CPI tháng 9, cũng như một số tháng trước đây, là do các quyết định hành chính điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu.

Nếu như tháng 8/2013, CPI biến động chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thì tháng 9 là do điều chỉnh học phí. Riêng nhóm hàng này trong tháng 9 đã tăng giá tới 9,38%.

Việc giá điện tăng từ ngày 1/8 cũng được cho là đã tác động tới CPI của cả nước trong tháng qua.

CPI nhảy lên 1,06% là mức tăng khá cao, nhất là khi sức mua của nền kinh tế còn thấp, người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Hơn thế, trong các cảnh báo của mình, nhiều chuyên gia kinh tế luôn nhắc tới lạm phát lõi (là chỉ số đo lường sự thay đổi mức giá chung mang tính lâu dài, loại bỏ những thay đổi mang tính chất tạm thời CPI)- đang ở mức rất cao (12-13%) tại thời điểm này.

Lạm phát lõi ở mức cao sẽ luôn đe dọa lạm phát chung, nếu chưa bùng phát trong năm nay, thì thời điểm có thể rơi vào đầu năm tới. Đây là điều đáng lưu ý, khi mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2014 tiếp tục đặt ra ở mức 7%.

Với mức tăng 1,06% của tháng 9, lạm phát cộng dồn sau 9 tháng là 4,63%, còn cách mục tiêu 6,81% khoảng gần 2 điểm phần trăm. Dư địa điều hành giá cả trong những tháng cuối năm còn khá rộng.

Tháng 10 tới, CPI thể vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng rơi rớt của quyết định tăng học phí. Việc TP.HCM chưa tăng giá dịch vụ y tế vẫn đang đe dọa lạm phát của những tháng cuối năm, nếu như đầu tàu kinh tế này quyết định tăng giá dịch vụ trên.

Chưa kể, cuối năm, vốn đầu tư có thể được tung ra thông qua việc Chính phủ phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 cùng vốn ứng trước kế hoạch năm 2014 và tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tăng…

Như vậy, đang có khá nhiều yếu tố tác động tới lạm phát 3 tháng cuối năm. Độ trễ của chính sách có thể còn khiến nỗi lo lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2014. Trong xu hướng CPI như hiện nay, không thể không thận trọng trong điều hành giá cả, nhất là với các quyết định tăng giá bằng mệnh lệnh hành chính.

Chỉ nên tăng giá khi CPI bớt căng thẳng
Từ ngày 1/10/2013, Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch sinh hoạt. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc này sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư