Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
CPI tăng thấp kỷ lục trong 15 năm gần đây
Mạnh Bôn - 24/12/2015 13:07
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng 0,63%; bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,5% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng dưới 5% như Quốc hội đặt ra. Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố vào sáng nay tại cuộc họp báo về tình hình giá cả tháng 12, quý 4 và cả năm 2015.
TIN LIÊN QUAN

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng 0,63%; bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,5% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng dưới 5% như Quốc hội đặt ra. Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố vào sáng nay tại cuộc họp báo về tình hình giá cả tháng 12, quý 4 và cả năm 2015.

TCTK cho biết, trong tháng 12 có 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng trước, nhưng mức tăng không đáng kể. Cụ thể, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,16%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 12 này có tới 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá so với tháng trước, gồm bưu chính-viễn thông giảm 0,03%; giao thông giảm 1,57%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.

“Tổng chung lại, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12/2015 thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, TCTK thông tin.

Cũng theo bà Thủy, CPI năm 2015 chỉ tăng 0,63% là mức tăng thấp kỷ lục kể từ năm 2001. Trong đó, nhóm hàng ăn uống và dich vụ ăn uống tăng 0,7%; đồ uống, thuốc lá và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng lần lượt 1,28% và 1,61%; giá dịch vụ du lịch tăng 2,45%...

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ phat huy tích cực, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, như giá dịch vụ y tế (viện phí), giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí) được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Trả lời câu hỏi CPI thấp sẽ ảnh hưởng tới tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, bà Vũ Thị Thu Thủy, khẳng định, hiện trên thế giới chưa có nhà kinh tế, tổ chức tài chính-ngân hàng, cơ quan nghiên cứu nào chứng minh chứng minh được rằng, cứ CPI cao sẽ kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế và ngược lại.

“Vì vậy, CPI năm 2014, đặc biệt là năm 2015 tăng thấp không hề ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế như một số người lo ngại. Ngược lại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ năm 2015 đều tăng trưởng rất ấn tượng trong 5 năm trở lại đây và tăng cao hơn so với mục tiêu đặt ra đã góp phần thúc đẩy GDP tăng cao nhất trong 5 năm gần đây”, bà Thủy cho biết và thông tin thêm, vào cuối tuần này, TCTK công bố tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tháng 12, quý 4 và cả năm 2015 sẽ cho biết toàn bộ bức tranh về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội; hoạt động xuất - nhập khẩu, du lịch… của năm 2015.

“Nếu lạm phát cao, doanh nghiệp sản xuất một đơn vị hàng hóa lãi được 5 đồng. Ngược lại, lạm phát thấp, doanh nghiệp sản xuất 10 đơn vị hàng hóa mới lãi được 10 đồng. Như vậy, về bài toán kinh tế, lạm phát thấp có lợi hơn, doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, xã hội giải quyết được nhiều công ăn việc làm hơn, đời sống của người dân được cải thiện tốt hơn do thu nhập thực tế tăng cao hơn”, ông Nguyễn Bích Lâm giải thích thêm.

Giải thích về việc lạm phát năm 2015 thấp nhất trong 15 năm gần đây, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, TCTK cho biết, nguyên nhân là do nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, ngoài ra, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. “Trong năm 2015, chỉ số hàng lương thực giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 10, giá lương thực tăng trong 4 tháng nhưng mức tăng rất nhẹ nên chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cả năm chỉ tăng 0,7% góp phần vào mức tăng chung của CPI chỉ vào khoảng 0,28%”, bà Ngọc thông tin.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai tác động đến CPI năm 2015 tăng thấp, theo bà Ngọc đó chính là giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 110,47 USD/thùng vào thời điểm cuối năm 2013 xuống còn dưới 40 USD/thùng vào thời điểm ngày 15/12/2015. Bình quân giá dầu Brent năm 2015 giảm khoảng 45,6% so với năm 2014, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và  “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92% so với năm trước 2014. Trong đó riêng giá xăng dầu giảm 24,76% so với năm trước đã góp phần giảm CPI chung khoảng 0,9%.

“Giá xăng dầu giảm tất nhiên giá gas (chất đốt) giảm mạnh. Bình quân giá gas năm 2015 giảm 9,51% so với năm 2014. Còn tại thời điểm cuối năm 2015, giá gas đã giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2014 cũng góp phần đáng kể kéo tốc độ tăng CPI chậm lại”, bà Ngọc nói thêm.

Năm 2015, do đồng Nhân dân tệ bị phá giá, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên 3% và nới biên độ giao dịch từ +/- 1% lên +/-3%. Sự kiện này đã từng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ “kích động” CPI tăng mạnh do giá nguyên vât liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất tăng. Tuy nhiên, bà Ngọc khẳng định,  tỷ giá tăng tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 không lớn, chỉ vào khoảng 0,72%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư