Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
CPI tháng 3/2025 giảm 0,03%, kéo CPI bình quân tăng chậm lại
Hà Nguyễn - 06/04/2025 09:24
 
Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, đưa CPI bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô vẫn được đảm bảo.

Số liệu vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, CPI tháng 3/2025 đã giảm 0,03% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới.

Mức giảm của CPI tháng 3 đã kéo CPI bình quân của quý I chỉ còn tăng 3,22% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 3,27% của bình quân 2 tháng đầu năm.

Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, trong mức giảm 0,03% của tháng 3/2025 so với tháng trước, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Cụ thể, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm Nhóm giao thông; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; và Nhóm đồ uống và thuốc lá.

Giá xăng dầu đang tạo thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam

Trong đó, Nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 1,41%, chủ yếu do các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý đầu năm. Trong khi đó, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05%, Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,04%.

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất, với 0,5%, tác động làm tăng CPI chung 0,09 điểm phần trăm.

Tiếp đó, là Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác - tăng 0,21%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,18%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,13%...

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng 0,13%. Trong khi đó, Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; Nhóm giáo dục tăng 0,02%; Nhóm bưu chính - viễn thông tăng 0,02%.

Như vậy, trong quý I/2025, giá cả thị trường vẫn được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô đảm bảo. Trong mức tăng CPI bình quân của quý I/2025, đáng chú ý, Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng tới 3,78%, góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm.

Trong nhóm hàng này, chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,49%, tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm. Đây là vấn đề cần lưu ý.

Theo Cục Thống kê, các yếu tố chính có thể gây áp lực tăng giá trong năm 2025 bao gồm: biến động giá xăng dầu, khí đốt và năng lượng thế giới, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và tiêu dùng trong nước; việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, y tế, giáo dục nghề nghiệp và đại học công lập; giá thịt lợn hơi có thể tăng do dịch tả lợn châu Phi khiến hộ chăn nuôi ngại tái đàn.

Một yếu tố khác, đó là việc các hoạt động sản xuất - kinh doanh sôi động hơn nhờ giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng… cũng sẽ tạo áp lực lên mặt bằng giá.

Liên quan đến diễn biến CPI và lạm phát, trong báo cáo được trình tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ Tài chính cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô đang đối diện với rủi ro gia tăng. Điều hành tỷ giá cũng gặp sức ép lớn do nguy cơ suy giảm thặng dư thương mại, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai.

“Do đó, mục tiêu ưu tiên là cần giữ ổn định tỷ giá phù hợp để ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, hạn chế áp lực tăng chi phí nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư