Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt: Lợi nhuận bùng nổ, song nợ còn nặng
Chí Tín - 05/02/2021 13:28
 
CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) vừa ghi nhận một năm kinh doanh với lợi nhuận tăng tốc, nhưng tỷ lệ nợ cao là một trong những thách thức về tài chính trong năm tới.
.
.

Lợi nhuận tăng tốc

Theo kết quả kinh doanh chung, Phát Đạt cho biết, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 tăng trưởng lần lượt 15% và 39,5% so với năm 2019, vượt khá xa so với mức bình quân chung của toàn ngành bất động sản. Điều này giúp doanh nghiệp bất động sản này tiến gần hơn với mục tiêu giai đoạn 5 năm (2019 - 2023) với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận lên tới 51%. Nếu đạt được mục tiêu này, lợi nhuận trước thuế đến năm 2023 của Công ty có thể chạm mức 5.700 tỷ đồng (gấp 3,7 lần năm 2020) và lũy kế lợi nhuận 5 năm lên tới 14.270 tỷ đồng.

Chiến thuật của Phát Đạt trong năm 2020 là chuyển hướng phát triển sang các thành phố vệ tinh và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Dương, Bình Định… Theo đó, trong năm, Phát Đạt chủ yếu ghi nhận doanh thu bán đất nền tại các dự án Phát Đạt Bàu Cả - Quảng Ngãi và Khu đô thị sinh thái - Khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Định (phân khu số 2 và phân khu số 9).

Chiến thuật trên bước đầu cho thấy hiệu quả khi biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 38,76% năm 2019 lên 46,56% năm 2020, giúp lợi nhuận gộp đạt 1.820,5 tỷ đồng, tăng 38,1%. Ngoài ra, Phát Đạt đã kiểm soát tốt một số khoản chi phí cơ bản, trong đó có việc tiết giảm chi phí bán hàng (giảm 4,31% so với năm 2019) xuống còn 118,7 tỷ đồng (chiếm 3,04% doanh thu thuần), giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với lợi nhuận gộp, đạt 39,6%, lên mức 1.547,7 tỷ đồng).

Cán cân nợ vẫn cao

Tuy lợi nhuận tăng tốc, nhưng bức tranh tài chính của Phát Đạt vẫn cho thấy sự chưa thực sự cân đối trong một vài chỉ số tài chính cơ bản. Tại thời điểm ngày 31/12/2020, nợ phải trả của Công ty ghi nhận ở mức 10.398 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với vốn chủ sở hữu 5.193,4 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn trong kỳ của Phát Đạt có xu hướng tăng từ 1.201,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 1.413,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, gánh nặng nợ cũng bị treo nhiều ở mục phải trả khác, với số dư cuối năm lên tới 6.847,8 tỷ đồng. Trong đó, khoản đáng chú ý nhất là khoản phải trả lên tới 4.557,4 tỷ đồng đối với hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án The EverRich 2. Đây là hợp đồng Phát Đạt đã ký với Công ty TNHH Đầu tư BIG GAIN liên quan đến việc phát triển Dự án The EverRich 2 tại 422 đường Đào Trí, Khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM.

Tuy vậy, Phát Đạt vẫn có cơ sở nguồn tiền do còn quỹ tài sản bất động sản chưa ghi nhận doanh thu, đang thể hiện dưới dạng hàng tồn kho trên báo cáo tài chính. Số dư hàng tồn kho tại ngày 31/12/2020 là 9.308,5 tỷ đồng. Các tài sản này chủ yếu là quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án.

Bất động sản của Phát Đạt thể hiện dưới nhiều loại hình như khu phức hợp, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu công nghiệp… Hiện công ty này đang sở hữu quỹ đất khoảng 450 ha, trong đó có 51,26 ha tại TP.HCM, gần 50 ha tại Quảng Ngãi, 171 ha tại Bình Định, 178,4 ha tại Phú Quốc và một số ít ở các tỉnh Bình Dương và Đà Nẵng.

 

Kết quả kinh doanh trong năm 2020 của Phát Đạt cho thấy mục tiêu kế hoạch 5 năm của doanh nghiệp này khả thi, do đã hoàn thành vượt kế hoạch công bố trong cả 2 năm đầu của giai đoạn 5 năm 2019-2013. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế các năm 2019 và 2020 đạt lần lượt 1.105,3 tỷ và 1.539,1 tỷ đồng, đều cao hơn so với kế hoạch 1.100 tỷ và 1.500 tỷ đồng.

 

Cổ phiếu PDR và cơ hội "hóa rồng"
Thị trường chứng khoán đã được dự báo sẽ diễn biến khó đoán vào giai đoạn cuối năm. Tuy vậy, cổ phiếu bất động sản nhà ở nhìn chung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư